Vụ cha mất, con tiếp tục kêu oan: Tòa Tối cao "tiền hậu bất nhất"

Vụ cha mất, con tiếp tục kêu oan: Tòa Tối cao "tiền hậu bất nhất"

Vụ cha mất, con tiếp tục kêu oan: Tòa Tối cao "tiền hậu bất nhất"

(PLO) -Sau khi bị hủy án, TAND tỉnh Tây Ninh đã mở phiên sơ thẩm lần 2 với tội danh cũ nhưng mức án đã được kéo giảm đáng kể. Đáng nói, bản án này bị TANDTC kháng nghị, nhưng sau đó không lâu kháng nghị lại bị rút với nhiều căn cứ không thuyết phục…
Kháng nghị vì cơ sở buộc tội chưa vững chắc
Sau khi hồ sơ được trả về, trên cơ sở cáo trạng của VKSND tỉnh Tây Ninh tiếp tục truy tố các bị cáo Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Ngọc Thanh và Trần Hoàn Kiếm, ngày 27 – 28/10/2009, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần 2 vụ án.
Theo đó, các bị cáo trên vẫn bị buộc tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như phiên sơ thẩm lần 1, nhưng có điều hình phạt cho ông Sỹ đã giảm từ 6 năm tù xuống còn 30 tháng tù treo; ông Kiếm từ 7 năm tù xuống còn 36 tháng tù treo và ông Thạnh từ 5 năm tù xuống còn 18 tháng tù treo; kèm theo hình phạt bổ sung.
Mặc dù hình phạt đã giảm đáng kể nhưng với khá nhiều sai sót nên ngày 8/8/2012, bản án này đã bị Chánh án TANDTC ra quyết định kháng nghị. Theo đó, Phó Chánh án Đặng Quang Phương đã chỉ ra rằng: Tòa án cấp sơ thẩm kết án các bị cáo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” về các hành vi: Lợi dụng cương vị và nhiệm vụ được giao lấn chiếm đất sang các vùng lân cận Tiểu khu (TK) 41, để sử dụng đất sai mục đích; buông lỏng quản lý nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân (trong đó có các bị cáo và người thân) kê khai gian dối để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công; tự ý phân chia trái phép tài sản của Tổ sản xuất sau khi giải thể là chưa có căn cứ vững chắc.
Cụ thể, về hành vi lấn chiếm đất sang các vùng lân cận TK 41, quyết định kháng nghị cho rằng việc mở rộng đất đã được ông Sỹ làm Tờ trình số 41 nhưng chưa được phê duyệt là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ.
Tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa làm rõ tại thời điểm bị lấn chiếm thì số đất trong vùng lân cận TK 41 thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức nào; do cơ quan có thẩm quyền nào quản lý; việc lấn chiếm đã gây ra những thiệt hại như thế nào cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân? Yếu tố thiệt hại là yếu tố bắt buộc của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, do đó cần phải điều tra làm rõ yếu tố thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại vật chất do hành vi lấn chiếm của các bị cáo gây ra.
Về hành vi gian dối để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kháng nghị cũng khẳng định tòa sơ thẩm kết tội các bị cáo về hành vi buông lỏng quản lý là không đúng, bởi lẽ năm 1997, UBND tỉnh Tây Ninh mới có chủ trương thu hồi đất, trong khi từ tháng 12/1995, ông Sỹ, ông Kiếm đều không còn giữ chức vụ, ông Thạnh cũng đã chuyển công tác khác.
Các bị cáo chỉ có hành vi kê khai gian dối, kê khai nguồn gốc đất cá nhân có được do khai hoang, trong khi đây là đất công; trách nhiệm này cũng chỉ là vi phạm pháp luật về đất đai cũng như các cá nhân khác kê khai gian dối ở địa phương. Việc cấp Giấy chứng nhận không đúng pháp luật, nếu có gây thiệt hại thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND huyện Tân Châu.
Về hành vi tự ý phân chia tài sản của Tổ sản xuất sau khi giải thể, qua phân tích TANDTC xác định chưa đủ căn cứ để các kết luận các ông Sỹ, Kiếm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để vụ lợi, gây thiệt hại; một số lời khai chưa được đối chất làm rõ. Còn việc thu hồi đất và xử lý tài sản trên đất, bản kháng nghị cho biết Tòa sơ thẩm tuyên thu hồi đất nhưng không tuyên việc xử lý tài sản trên đất là không đúng…
Từ những phân tích trên, TANDTC đã kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 81/2009 ngày 28/10/2009 của TAND tỉnh Tây Ninh; đề nghị Tòa Hình sự - TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án và tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự sơ thẩm nêu trên.
Quyết định kháng nghị đã nhen nhóm niềm hy vọng về sự công bằng trong các bị cáo, nhưng không ngờ chỉ 5 tháng sau, với lý do “sau khi kháng nghị, TANDTC nhận được một số công văn của UBND tỉnh đề nghị xem xét lại vụ án và công văn của TAND tỉnh Tây Ninh giải thích bản án; nghiên cứu các công văn này thấy rằng tuy có một số vấn đề Tòa sơ thẩm xét xử bị cáo chưa thật đầy đủ, chưa chặt chẽ, nhưng về cơ bản có căn cứ kết luận các bị cáo có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Với những hành vi đủ căn cứ kết tội thì mức án mà Tòa sơ thẩm đã xét xử các bị cáo là đúng, đối với tài sản trên đất đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận và cơ quan thi hành án thấy rằng có thể thi hành được”, Phó Chánh án TANDTC Đặng Quang Phương lại ký quyết định rút kháng nghị.
Rút kháng nghị không thuyết phục
Quyết định rút kháng nghị không chỉ “dập tắt hy vọng của các bị cáo” mà còn khiến dư luận hoài nghi về tính công minh của các cơ quan tố tụng.
Bởi lẽ, trong khi quyết định kháng nghị chỉ ra quá nhiều sai phạm mang tính quyết định đến tội danh của bị cáo như “chưa làm rõ thiệt hại, đặc biệt là về vật chất ở hành vi lấn chiếm đất”, quy kết các bị cáo có “hành vi buông lỏng quản lý là không đúng”, chưa đủ căn cứ để kết luận ông Sỹ, ông Kiếm có dấu hiệu lợi dụng chức vụ để vụ lợi, gây thiệt hại trong hành vi tự ý phân chia tài sản; một số lời khai chưa được đối chất làm rõ; thu hồi đất nhưng không tuyên việc xử lý tài sản trên đất là không đúng, cần phải điều tra làm rõ, nhưng quyết định rút kháng nghị chỉ sơ sơ : “Các hành vi khai hoang, đền bù thu hồi đất trong TK 41 và vùng mở rộng để giao lại cho cá nhân, cũng như việc phân chia tài sản khai giải thể của Tổ sản xuất, có một số vấn đề Tòa cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo chưa thật đầy đủ, chặt chẽ; quyết định thu hồi đất và xử lý tài sản trên đất của cấp sơ thẩm cũng không đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho thi hành án”.
Bên cạnh đó, lý do “sau kháng nghị, TAND tỉnh Tây Ninh đã gửi công văn giải thích bản án và UBND tỉnh Tây Ninh có công văn gửi TANDTC đề nghị xem xét lại vụ án” để góp phần cho TANDTC ra quyết định rút kháng nghị, nhiều ý kiến cho rằng không bình thường.
Bởi chẳng lẽ trước khi ra quyết định kháng nghị, TANDTC không nghiên cứu hồ sơ? Nếu có nghiên cứu và phát hiện những vấn đề để làm căn cứ ra quyết định kháng nghị thì tại sao lúc đó không yêu cầu TAND tỉnh Tây Ninh giải thích để khỏi phải ra kháng nghị?. Đặc biệt, việc UBND tỉnh Tây Ninh có công văn đề nghị TANDTC xem xét lại bản án liệu có can thiệp quá sâu vào hoạt động tư pháp, xét xử…?/.
Duy Khanh
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right