BỘ TƯ PHÁP
Số: 03/2015/TT-BTP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 1 tháng 4 năm 2015
|
THÔNG TƯ
Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và
đăng ký khai sinh, kết hôn cho người di cư tự do tại các huyện của
Việt Nam tiếp giáp với Lào
____________________
Căn cứ Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ngày 08 tháng 7 năm 2013 về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;
Căn cứ Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực;
Thực hiện Quyết định số 2627/QĐ-TTg ngày 31 ngày 12 tháng 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện “Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực,
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, kết hôn cho người di cư tự do tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với Lào:
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, kết hôn cho người Lào di cư từ Lào sang cư trú tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào theo Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước (sau đây gọi là Thoả thuận) và mẫu giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch để sử dụng trong việc giải quyết các việc nêu trên.
2. Thông tư này cũng được áp dụng để giải quyết đăng ký khai sinh, kết hôn đối với công dân Việt Nam do phía Lào trao trả theo quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều 3 của Thoả thuận.
Điều 2. Đối tượng và địa bàn áp dụng
1. Người Lào di cư sang các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào thuộc đối tượng được phép cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thoả thuận được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt (sau đây gọi là người Lào di cư được phép cư trú).
2. Công dân Việt Nam di cư sang các huyện của Lào tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Lào - Việt không thuộc đối tượng được phép cư trú tại Lào theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thoả thuận và do phía Lào trao trả được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Lào phê duyệt và được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam tiếp nhận.
3. Địa bàn được áp dụng là các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào (sau đây gọi là huyện biên giới) theo danh sách đính kèm Thông tư này.
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người Lào là người có quốc tịch Lào hoặc người gốc Lào, di cư từ Lào sang sinh sống tại các huyện biên giới của Việt Nam tiếp giáp với Lào mà chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam mà chưa được cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Lào.
ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC NHẬP QUỐC TỊCH
VIỆT NAM; THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KHAI SINH, KẾT HÔN
Điều 4. Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam
Người Lào thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, nếu có nguyện vọng và có đủ các điều kiện sau đây thì được xem xét giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam:
1. Tự nguyện có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
2. Tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam;
3. Không vi phạm pháp luật hình sự;
4. Có cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác tại nơi đang cư trú;
5. Không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam;
6. Có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và ghi rõ trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Điều 5. Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
1. Người Lào di cư được phép cư trú có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam thì đến Ủy ban nhân dân xã, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú để được hướng dẫn, hỗ trợ lập hồ sơ. Mỗi người lập 02 bộ hồ sơ; mỗi bộ gồm Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam và Tờ khai lý lịch theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trình tự lập và giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách người Lào di cư được phép cư trú do Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Công an cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện biên giới tổ chức đoàn công tác lưu động đến Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc huyện biên giới để hướng dẫn, hỗ trợ việc lập và tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất hồ sơ, Sở Tư pháp xem xét, kiểm tra hồ sơ, nếu thấy đầy đủ thông tin và người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này thì có văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo danh sách và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và có văn bản đề xuất gửi Bộ Tư pháp kèm theo danh sách, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp gửi bản sao Quyết định và danh sách những người được nhập quốc tịch Việt Nam cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng gửi cho Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam.
e) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả nhập quốc tịch Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức trao Quyết định cho người được nhập quốc tịch Việt Nam.
Điều 6. Thông báo danh sách người Việt Nam được nhập quốc tịch Lào
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của phía Lào và danh sách người Việt Nam được nhập quốc tịch Lào, Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam gửi cho Bộ Tư pháp bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền Lào kèm theo danh sách người Việt Nam được nhập quốc tịch Lào.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản sao quyết định và danh sách người Việt Nam được nhập quốc tịch Lào, Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ để trình Chủ tịch nước và cập nhật vào cơ sở dữ liệu những người được thôi/mất quốc tịch Việt Nam đang được lưu trữ tại Bộ Tư pháp.
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc huyện biên giới nơi cư trú của người có yêu cầu khai sinh thực hiện việc đăng ký khai sinh.
2. Hồ sơ đăng ký khai sinh gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này) và Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định); trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản cam đoan về việc sinh.
3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, công chức tư pháp - hộ tịch xem xét, kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với danh sách đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt, nếu thấy thông tin đầy đủ và hợp lệ thì ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, bản chính Giấy khai sinh, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh.
Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
4. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với công dân Lào thì mục quốc tịch trong Giấy khai sinh của trẻ em được ghi theo thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ; nếu cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì ghi quốc tịch Việt Nam.
Trường hợp người được đăng ký khai sinh không phải trẻ em thì quốc tịch của người đó được xác định trên cơ sở thông tin về quốc tịch trong danh sách đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt.
5. Đối với người đã được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này, nếu người đó yêu cầu thì cũng được đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều này và ghi rõ quốc tịch Việt Nam vào Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh.
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc huyện biên giới nơi cư trú của hai bên nam nữ thực hiện đăng ký kết hôn cho những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Thông tư này.
Hai bên nam, nữ nộp Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này) cho Uỷ ban nhân dân cấp xã.
2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận Tờ khai đăng ký kết hôn, nếu các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, công chức Tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
3. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt và cùng công chức Tư pháp - hộ tịch ký tên vào Sổ đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận kết hôn; nếu không biết ký thì điểm chỉ.
4. Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2015 và sẽ hết hiệu lực khi Thoả thuận chấm dứt hiệu lực.
Sau khi Thông tư hết hiệu lực mà việc giải quyết đối với hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, kết hôn cho những đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này chưa kết thúc thì tiếp tục được giải quyết theo Thông tư này cho đến khi kết thúc. Đối với những việc xin nhập quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, kết hôn phát sinh sau ngày Thông tư này hết hiệu lực, thì được xem xét giải quyết theo quy định chung của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Ủy ban nhân dân các cấp thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Nguyễn Khánh Ngọc