Mong ước biến chợ đồ cũ thành không gian văn hóa Hà Nội.
(PLO) - Trong không gian rộng lớn khoảng 20ha, chợ đồ cũ Thưởng Thường chứa đựng nhiều đồ cổ quý giá đang được giới săn đồ cũ, đồ cổ của Hà thành yêu thích. Thế nhưng chủ nhân của nó ông "vua đồng nát" Nguyễn Văn Thưởng, lại mong muốn biến chợ đồ cũ này thành một không gian văn hóa Hà Nội.
Những món đồ lãi cả trăm triệu...
Nguyễn Văn Thưởng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Thưởng Thưởng đến với nghề mua bán đồ cũ rất tình cờ bởi cơ duyên khởi nghiệp lại bắt nguồn từ dịch vụ “chuyển nhà trọn gói”. Nhìn những mặt hàng có giá trị bị gia chủ “vứt đi” sau mỗi lần chuyển nhà khiến anh nảy sinh ý định... mua lại đồ cũ, đồ bỏ đi để bán lại cho người khác, theo phương châm “cũ người, mới ta”. Và chợ đồ cũ Thưởng Thưởng ra đời từ đó.
Ban đầu chợ đồ cũ này chỉ là nơi gặp nhau giữa cung và cầu, đó có thể là những bộ sofa bọc đệm của khách sạn thanh lý được các văn phòng mua về trưng dụng, những chiếc TV màn hình lớn được thanh lý từ những nhà đại gia hay bộ bàn ghế gỗ quý mà người dân không biết, vô tình được anh thu mua khi người dân dọn nhà.
Anh Thường kể lại: “Tôi mua được bộ bàn ghế gỗ sưa quý ấy khi nó được chủ nhân đựng trong một chiếc thùng. Chân đi đằng chân, lưng tựa đi đằng lưng tựa, các chi tiết bị tháo rời tất cả, được chủ nhân của nó bỏ trong nhà kho đến cả chục năm, đến đúng hôm thanh lý toàn bộ đồ cũ, chiếc thùng ấy mới được lôi ra. Tôi mua thêm vài món đồ nữa, tính cả mớ chưa đến 2 triệu đồng. Tha mớ đồ ấy về cũng lo lắng vì nhiều chuyến hàng mua về đã phải đưa đi bãi rác hoặc những khu nấu phế liệu trên Thái Nguyên”.
Nhưng những lo lắng của anh vụt tan khi bộ bàn ghế gỗ sưa dần lộ diện khi anh lắp từng bộ phận với nhau. Đã có khoảng vài chục người khách đến xem, ngỏ ý muốn mua, trả giá cả trăm triệu đồng nhưng anh Thưởng không bán. Anh bảo: “Coi như đây là một điềm may, nói vui thì cũng có thể xem như được tổ nghiệp... đãi nên chắc còn lâu tôi mới bán”.
Không riêng bộ bàn ghế gỗ sưa, chiếc sập cổ của anh thưởng cũng khiến nhiều người xuýt xoa. Anh Giang, một người chuyên chơi đồ cổ cúi xuống chiếc sập, lấy tay lần theo từng đường hoa văn trên sập, miệng không ngớt xuýt xoa: “Đúng là hiếm thật. Cảm giác như gỗ nguyên khối, các đường nét hoa văn tinh xảo. Cái sập này phải có tuổi đời hàng trăm năm chứ không ít đâu”.
Nói rồi anh Giang lại hì hụi cúi xuống, lấy tay lau vài lớp bụi bám vào từng chi tiết nhỏ, thỏa mãn sự tò mò với chiếc sập, anh Giang quay sang hỏi ông chủ: “Ông quyết bán chiếc sập này bao nhiêu”? Nở nụ cười hiền, anh Thưởng trả lời: “Đã có khoảng 20 người hỏi mua chiếc sập này rồi, họ đã trả đến 1,6 tỉ rồi nhưng tôi chưa bán. Đố ông tìm thấy chiếc sập thứ hai như thế này”. Nói xong anh Thưởng quay sang, dẫn chúng tôi đi một vòng thăm quan khu chợ, để mặc người khách đang xuýt xoa trước chiếc sập bằng gỗ trắc quý giá.
Được biết chiếc sập cổ bằng gỗ trắc này được anh Thưởng mua từ một chủ nhân trên phố Triệu Việt Vương. Họ phá nhà, xây khách sạn cho Tây thuê nên không cần dùng đến chiếc sập này. Giá định là 300 triệu, anh Thưởng không ngần ngại trả đủ cho chủ nhân của nó và mang về nhà.
Ông chủ sở hữu vài trăm tỷ nhưng rất bình dân.
Anh Thưởng kể: “Khi tôi đưa chiếc sập lên xe, chủ nhân của nó còn lưu luyến lắm, ông ấy cứ đứng tần ngần cho đến khi chiếc xe đi khuất. Chắc ông quý chiếc sập gỗ nhưng vì hoàn cảnh nên không giữ lại được nó”. Chỉ sau đó một thời gian, vì bí tiền, anh định bán cho người trả giá 700 triệu nhưng lại xoay sở được nên chiếc sập còn ở lại với anh đến tận bây giờ và giá đã đắt gấp đôi “mà tôi còn chưa muốn bán” – anh Thưởng nói. “Hay anh định chờ chủ nhân của nó tìm đến mua” – tôi hỏi đùa. Không ngần ngại, anh trả lời: “Cũng có thể như thế chứ. Ở đây nhiều người đến để tìm, đặt mua những món đồ họ đã bán lắm”.
Ý tưởng lạ
Kinh doanh, làm ông chủ hay nói nhẹ nhất là bán hàng đều nhằm mang đến mục đích cao nhất là lợi nhuận. Nhưng ông “vua đồng nát” Nguyễn Văn Thưởng lại không nghĩ như vậy. Bởi có những món đồ có thể rất được giá vì nó thuộc vào hàng hiếm, hàng thất lạc tìm lại được, anh có thể mặc sức “hét giá” nhưng anh lại mang tặng lại chủ nhân của nó.
Ngày ấy, có một đôi vợ chồng già đến thăm khu chợ và đứng rất lâu trước bộ bàn ghế Louis (Pháp). Có vẻ như người vợ rất xúc động khi nhìn thấy bộ bàn ghế này. Tôi lại gần hỏi han thì được biết, vì hoàn cảnh khó khăn họ buộc phải bán một bộ bàn ghế giống hệt như thế cách đây 5 năm, dù bộ bàn ghế đã gắn bó với họ cả 40 năm cùng sống dưới một mái nhà.
Gặp lại bộ bàn ghế này như thể cả một miền ký ức ùa về, họ không giữ được cảm xúc và ngỏ ý muốn mua lại. Nhưng hôm ấy họ không đủ tiền để mua nên phải quay về, gom góp từ con cháu. Chỉ một tuần sau họ đã có mặt để mua lại được bộ bàn ghế đầy kỷ niệm của họ với giá bớt khoảng 30 chục triệu.
Lại có một cặp vợ chồng khác đến nhất định hỏi mua của anh một chiếc chén màu men hơi là lạ. Khi vừa nhìn thấy chiếc chén, anh Thường đoán có thể nó là chiếc chén của một bộ đồ ấm chén cổ nào đó. Theo như họ nói, họ có một bộ chén cổ giống hệt như thế, bị vỡ mất một chiếc nên đang tìm mua lại.
Ban đầu anh Thưởng không tin, cho rằng người khách này... ba hoa và tin chắc rằng chiếc chén này phải rất quý giá người ta mới thích thú đến vậy. Khi người khách hỏi giá, anh nửa đùa nửa thật bảo: “Vì chỉ có một chiếc nên tôi không bán, tôi để lại trưng bày hoặc chờ cho đến khi nào chiếc chén có cặp, có đôi tôi mới bán”. Trả lời xong anh lại quay lại với mớ đồ hỗn loạn của mình mà không để ý cặp vợ chồng người khách lạ lầm lũi quay đi với bộn bề tâm trạng.
Mấy ngày sau, khi người khách quay lại lần thứ hai, mang theo một chiếc chén y hệt thì anh sững người, đúng là “phải có duyên lắm, người chủ nhân của bộ chén cổ ấy mới gặp được chiếc chén tưởng như không còn có thể tìm thấy được” – anh nói. Vì chữ “duyên” ấy, anh Thưởng đã tặng luôn người khách chiếc chén mà anh nói vui rằng “không ngờ tìm lại được nhà cửa cho nó”.
Anh tâm sự: “Nói thật, tôi không quá đặt nặng vấn đề kinh doanh ở chợ này bởi cởi bỏ được quan niệm dùng đồ cũ của người Việt Nam mình là cực khó. Thế nên gặp người khách nào tha thiết với đồ cũ, đồ cổ, tôi có thể thoải mái giao dịch, nhiều khi chỉ lấy lãi cho có”.
Chính từ những việc ngẫu nhiên thành duyên này khiến anh suy nghĩ rất nhiều về công việc anh đang làm. Kiếm sống? Hẳn nhiên rồi. Tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác? Anh vẫn đang làm. Nhưng còn những câu chuyện mà anh đã gặp trong suốt quá trình kinh doanh kia thì sao? Có phải họ là những người đang khao khát tìm về không gian văn hóa của họ, của Hà Nội một thời hay sao? Anh đặt câu hỏi rồi lại tự tìm câu trả lời. “Có thể lắm chứ, chợ của anh sẽ biến thành một không gian văn hóa Hà Nội” và anh bắt đầu ấp ủ mơ ước.
Người đàn ông có gương mặt hiền lành, trông không giống một ông chủ đang sở hữu khối tài sản lên đến vài trăm tỷ cho biết: “Chợ đồ cũ không đơn thuần là để kinh doanh mà tiến tới sẽ là một chợ du lịch văn hóa, người ta đến đây sẽ được gặp lại văn hóa Hà Nội một thời”./.