Ảnh minh họa
(PLO) - Mặc dù Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành đã có những quy định cụ thể về việc cầm cố, thế chấp tài sản nhưng quá trình thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử theo quy định tại Khoản 4 điều 349 thì bên thế chấp tài sản có quyền “bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý”.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định nêu trên là một giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp, song trên thực tế khi bên thế chấp chuyển dịch quyền sở hữu tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp khó có thể đòi tài sản thế chấp do pháp luật thiếu cơ chế pháp lý để thực thi hiệu quả. Do đó, đã hạn chế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản.
Sửa đổi BLDS, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định bên cầm cố, bên thế chấp được quyền bán tài sản thế chấp nếu tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Còn tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì bên thế chấp chỉ được bán, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.
Quy định như trên sẽ bảo vệ được quyền, lợi ích của bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, qua đó nâng cao trách nhiệm của các bên trong thực hiện nghĩa vụ dân sự, khuyến khích các tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động cho vay đối với cá nhân, tổ chức; đồng thời bảo đảm được sự ổn định của các giao dịch dân sự nói chung.
Tuy nhiên, một loại ý kiến khác lại cho rằng, BLDS cần thừa nhận bên cầm cố, bên thế chấp có quyền bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp mà không cần những điều kiện chặt chẽ như nêu trên. Loại ý kiến này cho rằng nếu sửa đổi như vậy sẽ phát huy, khai thác cao nhất giá trị kinh tế của tài sản cầm cố, thế chấp.
Việc cho phép đưa tài sản cầm cố, thế chấp vào lưu thông dân sự giúp cho bên cầm cố, thế chấp tìm kiếm thêm được các khoản thu lợi hợp pháp từ chính tài sản của mình, qua đó tăng nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tăng khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên nhận cầm cố, thế chấp. Như vậy, việc mở rộng khả năng được bán tài sản cầm cố, thế chấp không chỉ có lợi cho các bên mà còn cho cả nền kinh tế
Mặt khác, BLDS hiện hành cũng đã ghi nhận một phần vấn đề này, theo đó bên thế chấp có quyền bán tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Bên cạnh đó, ý kiến này cũng cho rằng quy định như trên thì quyền của bên nhận thế chấp vẫn được bảo đảm, theo đó, họ có quyền theo đuổi tài sản thế chấp hoặc được nhận giá trị có được từ việc bán tài sản thế chấp.
Dù BLDS được sửa đổi, bổ sung theo phương án nào thì quan trọng là bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch dân sự, không làm xáo trộn các quan hệ kinh tế và phù hợp với hệ thống pháp luật liên quan.