Một phiên bán đấu giá tài sản
(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay không cần thiết phải duy trì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại tất cả các tỉnh, thành mà nên chuyển sang mô hình doanh nghiệp…
Ngại chuyển đổi vì còn mong bao cấp
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) và 190 doanh nghiệp BĐGTS. Tuy nhiên, trong số 63 Trung tâm này chỉ có 11/63 đơn vị tự chủ 100% về tài chính; 5/63 Trung tâm được bao cấp hoàn toàn; 47/63 Trung tâm được Nhà nước bao cấp một phần; một số Trung tâm hoạt động kém hiệu quả.
Còn nhớ, trước đây khi hoạt động BĐGTS chưa được xã hội hóa và còn “sơ khai“ thì mục đích ban đầu của việc thành lập Trung tâm dịch vụ BĐGTS là để thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như BĐGTS thi hành án, tài sản là phương tiện vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, thực hiện xã hội hóa hoạt động BĐGTS, Nghị định 17/NĐ-CP về BĐGTS đã giao việc BĐGTS thi hành án cho cả Trung tâm và doanh nghiệp BĐGTS. Đồng thời, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2013 tiếp tục giao việc BĐGTS vi phạm hành chính đồng thời cho cả Trung tâm và doanh nghiệp BĐGTS. Như vậy, thời điểm này nhiệm vụ chính trị giao cho Trung tâm đã không còn nữa.
- Thực tế, theo Bộ Tư pháp, hiện nay việc duy trì Trung tâm tại tất cả các tỉnh, thành phố là không cần thiết mà còn gây áp lực cho ngân sách nhà nước, làm giảm tính chuyên nghiệp của hoạt động BĐGTS vốn vận hành theo cơ chế thị trường.
Mặc dù Nghị định 17/NĐ-CP cũng đã có quy định về chuyển đổi mô hình Trung tâm sang doanh nghiệp, tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, Bộ Tư pháp cho biết chưa có Trung tâm nào được chuyển đổi. Nguyên nhân là do Nghị định 17/NĐ-CP chưa quy định cụ thể tiêu chí, lộ trình cụ thể về việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ngại ngần chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước...
Sự tồn tại các Trung tâm là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động BĐGTS và thông lệ quốc tế. Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần phải có quy định về lộ trình, tiêu chí cụ thể cho việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ BĐGTS sang mô hình doanh nghiệp BĐGTS, tiến tới việc Trung tâm dịch vụ BĐGTS chỉ còn tồn tại ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhu cầu về BĐGTS ít và vẫn cần Trung tâm dịch vụ BĐGTS để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cho 5 năm để chuyển sang doanh nghiệp
Để đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động BĐGTS, nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi Trung tâm sang mô hình doanh nghiệp là cần thiết. Do đó, Dự thảo Luật BĐGTS đang được Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến đưa ra quy định: trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 02 doanh nghiệp BĐGTS và doanh thu hàng năm của Trung tâm dịch vụ BĐGTS đủ để đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của Trung tâm thì Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ BĐGTS sang mô hình doanh nghiệp, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt; tổ chức thực hiện đề án sau khi được phê duyệt.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc chuyển đổi để phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động BĐGTS, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề đấu giá, giảm áp lực về biên chế, ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc chuyển đổi sẽ khó đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Mặt khác, nếu uy tín thương hiệu của các Trung tâm cũng được coi là một tài sản vô hình thì khi chuyển đổi, vấn đề này sẽ được bảo đảm ra sao? Ý kiến này cũng đề nghị cần phải cho các Trung tâm một lộ trình để thực hiện việc chuyển đổi.