(PLO)- Các bên đã ký biên bản hòa giải thành nhưng một bên đương sự sau đó không thực hiện nội dung hòa giải, vậy bên còn lại có được quyền khởi kiện ra tòa?
Trong đó, VKSND Tối cao đã hướng dẫn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến dân sự, tố tụng dân sự.
Hòa giải thành nhưng một bên không thực hiện
Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Việc hòa giải thành được lập thành biên bản và có xác nhận của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp hai bên hòa giải thành, tuy nhiên sau đó thì cả hai bên hoặc một bên thay đổi ý kiến, không thực hiện nội dung đã hòa giải.
Từ đây đặt ra vấn đề: Đối với vướng mắc về trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải thành tại UBND cấp xã nhưng một bên đương sự không thực hiện theo nội dung đã hòa giải thành thì bên đương sự còn lại có quyền khởi kiện đến TAND để giải quyết không?
Giải đáp điều này, VKSND Tối cao cho biết khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Đất đai) quy định trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.
Như vậy, đương sự có quyền khởi kiện đến TAND để giải quyết, UBND cấp xã có trách nhiệm lập biên bản và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến TAND.
VKS rút kháng nghị khi nào?
Cũng theo Văn bản 4962, VKSND Tối cao cho biết một số VKS cho rằng nhiều vụ án VKS phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị phúc thẩm nhưng thẩm phán giải quyết vụ án lại thông báo sửa chữa, bổ sung bản án có liên quan đến nội dung kháng nghị. Điều này có được chấp nhận không?
VKSND Tối cao cho rằng theo Quyết định 363/QĐ-VKSTC ngày 12-10-2020 thì tùy trường hợp mà việc sửa chữa có được chấp nhận hay không.
Nếu tòa án ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án đúng theo Điều 268 BLTTDS về quy định sửa chữa, bổ sung bản án dân sự thì người nghiên cứu hồ sơ, báo cáo đề xuất người có thẩm quyền rút kháng nghị đối với nội dung kháng nghị mà tòa án đã sửa chữa, bổ sung.
Đối với trường hợp tòa án ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung bản án không đúng theo Điều 268 nêu trên thì đề xuất người có thẩm quyền giữ nguyên nội dung kháng nghị.
Cũng liên quan đến việc kháng nghị, VKSND Tối cao cho rằng khi VKS phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải chủ động thực hiện quyền kháng nghị để đảm bảo thời hạn.
Nếu sau khi kháng nghị mà đương sự không yêu cầu tiếp tục giải quyết, đồng thời có văn bản hoặc lời khai từ chối việc bảo vệ quyền lợi và chấp nhận bản án sơ thẩm thì kiểm sát viên đề xuất rút kháng nghị (do liên quan đến quyền tự định đoạt của đương sự), trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba.•
Xử lý tiền chưa có điều kiện thi hành án trong vụ án tham nhũng
Nêu vướng mắc, một số VKS cho rằng hiện chưa có biện pháp xử lý số việc, số tiền chưa có điều kiện thi hành án (THA) trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Trả lời về vấn đề này, VKSND Tối cao cho biết đã ban hành Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 26-6-2020 về tăng cường kiểm sát THA dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Cạnh đó, khoản 2 Điều 44 Luật THA dân sự quy định về xác minh điều kiện THA: Trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất sáu tháng một lần, chấp hành viên phải xác minh điều kiện THA. Sau hai lần xác minh mà người phải THA vẫn chưa có điều kiện THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được THA về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA.