(PL)- Mỹ và EU đều có nhiều xung đột với Trung Quốc về thương mại.
Trung Quốc (TQ) đang thận trọng quan sát các động thái thương mại từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hai đối tác thương mại lớn nhất của mình, với nỗi lo hai đối tác này có thể bắt tay đối phó với TQ. Đây là nhận định của nhiều nguồn tin quan chức ngoại giao lẫn các nhà quan sát châu Âu với South China Morning Post.
Châu Âu nói có
Mỹ và TQ đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng. Một vài trong số những điều Mỹ muốn ở TQ là ngưng trợ cấp phát triển công nghiệp và lĩnh vực công nghệ cũng như giảm rào cản thị trường. Thái độ của TQ trong các lĩnh vực này không chỉ là sự bất mãn của Mỹ mà cả của EU. Theo Tổng Thư ký Phòng Thương mại EU ở TQ Adam Dunnett tại một hội thảo ở Bắc Kinh ngày 23-8, TQ có tiến trình mở cửa thị trường nhưng “không tương xứng với đà tăng trưởng kinh tế” của mình. Theo ông, mỗi nước có thể tự quyết hướng phát triển của mình nhưng không thể để ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế các nước khác.
Hai ngày đối thoại mới nhất giữa Mỹ và TQ kết thúc hôm 23-8 mà không có tiến triển giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại đang leo thang. Một ngày sau khi gặp TQ, Mỹ gặp các phái đoàn EU và Nhật bàn cải cách các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ba phái đoàn Mỹ, EU, Nhật sẽ lại gặp nhau tại Bỉ tháng tới bàn về các hoạt động thương mại của TQ, một động thái rõ ràng tăng áp lực lên TQ.
Ngày 3-10, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ tổ chức điều trần về các cam kết của TQ với WTO. Đầu năm nay USTR nói chuyện Mỹ cho phép TQ gia nhập WTO là một sai lầm. Nhiều nhà nghiên cứu thương mại Mỹ cảnh báo Nhà Trắng có thể sẽ thu hồi địa vị “nước được hưởng ân huệ nhiều nhất” của TQ, mở đường cho Mỹ đánh thuế thẳng tay hơn với TQ.
Thương mại TQ sẽ chịu sức ép lớn nếu Mỹ và EU bắt tay nhau. Ảnh: AFP
EU phản đối cách Mỹ dùng cuộc chiến thuế quan để buộc TQ thay đổi. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao và nhiều công ty châu Âu dù không đồng ý với cách làm của Mỹ vẫn cho rằng chiến thuật tăng áp lực của Tổng thống Trump có thể sẽ có hiệu quả. Nói cách khác, cách làm cứng rắn của ông Trump có thể sẽ buộc TQ phải thay đổi, cuối cùng buộc phải thỏa hiệp, có các bước đi cụ thể mở cửa thị trường. Theo một quan chức ngoại giao châu Âu, TQ dường như ngày càng hiểu rõ mình không thể không mở cửa toàn diện thị trường, đặc biệt sau khi đã gia nhập WTO.
Nói với South China Morning Post, một quan chức ngoại giao châu Âu cho rằng TQ biết rõ áp lực đè lên mình sẽ gia tăng khủng khiếp nếu Mỹ và EU bắt tay nhau đối phó mình về thương mại và sẽ làm hết sức để tránh viễn cảnh này. Điều nhất định phải làm là cố gắng hơn nữa xoa dịu các lo ngại của EU về thương mại với mình, đồng thời tiến gần hơn đến các láng giềng và các đối tác thương mại chủ chốt.
TQ tự tin không
Nhiều nhà phân tích TQ vẫn tin khó có khả năng Mỹ và EU bắt tay nhau ép TQ như một số nhà ngoại giao châu Âu nói với South China Morning Post. Theo ông Lu Xiang, chuyên gia về Mỹ tại Học viện Khoa học xã hội TQ, chuyện này khó xảy ra khi xung đột thương mại giữa Mỹ và EU nghiêm trọng hơn nhiều nếu so giữa Mỹ với TQ. Ông Lu cho rằng chủ ý ông Trump là buộc từng đối tác một của Mỹ phải khuất phục. Nếu TQ thua, sau đó sẽ tới lượt EU, rồi tới Nhật.
Theo ông Wang Yiwei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU tại ĐH Nhân dân TQ, thừa nhận việc nước này mở cửa quá chậm với phương Tây và thực tế thiếu công bằng trong thị trường khiến EU và Mỹ có cảm giác thua trắng TQ trong thương mại. Thêm nữa, việc TQ chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ - lĩnh vực Mỹ và EU dẫn đầu - càng làm cho hai đối tác này thận trọng hơn với TQ. Tuy nhiên, ông Wang lạc quan TQ có thể thay đổi điều này với việc điều chỉnh chiến lược bằng cách tìm thêm đồng minh thay vì tạo thêm đối thủ.
Mỹ - Mexico - Canada đạt thỏa thuận, TQ càng khó khăn Ngày mai (31-8) là hạn cuối Mỹ - Mexico - Canada thống nhất một thỏa thuận mới thay thế Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ba nước đã ký 24 năm trước. Đàm phán bắt đầu hơn một năm trước. Mỹ và Mexico đầu tuần này nói có thể sẽ đàm phán thỏa thuận song phương giữa hai nước nếu Canada không hợp tác. Ông Trump tuyên bố nếu đến ngày 31-8 mà Canada không hợp tác thì Mỹ và Mexico sẽ xúc tiến thỏa thuận song phương, bỏ NAFTA. Theo John Woods, trưởng bộ phận đầu tư châu Á-Thái Bình Dương tại tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sĩ), thỏa thuận song phương Mỹ-Mexico bất lợi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Quan điểm của ông Woods cũng được một số nhà kinh tế ở Ngân hàng ING (Hà Lan) đồng tình, rằng thỏa thuận với Mexico sẽ khiến Mỹ cứng rắn hơn với TQ. Dựa vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung thời gian qua có thể thấy điều Mỹ muốn là TQ cải cách cấu trúc thương mại chứ không chỉ giảm thiếu hụt thương mại với mình. Và điều này sẽ khó xảy ra trừ khi TQ có một số thay đổi lớn ở các lĩnh vực như bảo vệ tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, mà điều này thì rất khó. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với TQ sẽ còn lâu dài. Các nhà kinh tế dự đoán gói thuế quan 200 tỉ USD mà ông Trump dọa đánh lên hàng TQ rất có khả năng sẽ được hiện thực hóa trong tháng 9 này. Và rồi cuộc chiến sẽ càng tệ thêm khi TQ trả đũa. |
ĐĂNG KHOA
Nguồn : PLO.VN