TP.HCM: Công chứng, thừa phát lại vào nề nếp

TP.HCM: Công chứng, thừa phát lại vào nề nếp

- Tại TP.HCM, hoạt động công chứng và thừa phát lại đang phát triển mạnh nhưng luôn được định hướng kịp thời để giảm thiểu sai sót, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Trong công tác quản lý nhà nước về công chứng và thừa phát lại (TPL), Sở Tư pháp TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc hai lĩnh vực này được tăng cường, các trường hợp vi phạm được xử lý kịp thời, nghiêm túc. Tình trạng chờ đợi và “cò” trong hoạt động công chứng đã hết, các sai sót trong nghiệp vụ của TPL được chấn chỉnh, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch.

Trị công chứng giả, xử lý nạn giả giấy tờ

Hiện tượng làm giả giấy tờ trong công chứng, nhất là giấy tờ nhà, đất ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Từ thực tế này, Sở Tư pháp TP.HCM đã chỉ đạo, phối hợp chặt giữa các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phát hiện và xử lý quyết liệt.

Cuối năm 2018, Sở Tư pháp có thông tin về một văn phòng công chứng (VPCC) giả ở quận 9, cán bộ sở đã tiếp cận và phát hiện nơi này treo biển quảng cáo là trụ sở của VPCC Sao Bắc Đẩu. Nơi đây có hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của VPCC quận 12. Sau đó, Thanh tra sở đã phối hợp với UBND và Công an quận 9 kiểm tra, lập biên bản vi phạm và đề nghị xử lý hình sự. Cuối cùng, TAND quận 9 đã xử phạt người làm giả giấy tờ VPCC này 30 tháng tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Cũng trong năm 2018, Sở Tư pháp phối hợp với Phòng Tư pháp quận 9 kiểm tra, phát hiện VPCC Nguyễn Cảnh vi phạm quy định hoạt động công chứng ngoài trụ sở và mang con dấu ra khỏi trụ sở. VPCC này đăng ký hoạt động ở quận 3 nhưng lại có hoạt động công chứng ở quận 9. Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nơi này 15 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 6,6 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7, tình trạng giấy tờ giả, giả người trong công chứng hiện nay nhiều và tinh vi. Vì vậy, các công chứng viên (CCV) cần xem thật kỹ giấy tờ trước khi ký. Ngoài ra, các CCV cần nâng cao trình độ, nghiệp vụ và kinh nghiệm, kết hợp với sự hỗ trợ bằng máy móc soi chiếu, kiểm tra thì mới triệt được nạn này.

Ông Trần Quốc Phòng, Trưởng VPCC Trần Quốc Phòng, cho biết ngoài các kỹ năng, kinh nghiệm thì CCV cần phải hỏi thêm các bên về bất động sản như vị trí, diện tích, năm cấp giấy, nguồn gốc nhà, đất. Mục đích là để thăm dò lần nữa về tính hợp pháp cũng như độ tin cậy của giấy tờ.

Theo ông Phòng, Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp đã giúp CCV tra cứu nhiều thông tin liên quan đến việc ngăn chặn và lịch sử giao dịch của tài sản, nhất là nhà, đất. Đây là cơ sở để CCV có thể phát hiện ra những bất thường từ thông tin nhà, đất mà các bên giao dịch.

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Công an TP tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề để nâng cao kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho CCV. Ông Châu cũng đề nghị các tổ chức công chứng trang bị các phương tiện, máy móc hỗ trợ các CCV trong việc đấu tranh chống lại nạn giấy tờ giả. Cạnh đó, Công an TP phải quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng chống, xử lý nạn giấy tờ giả.

Công chứng viên Phòng Công chứng số 4 đang dùng máy soi để kiểm tra giấy tờ nhà, đất. Ảnh: YẾN CHÂU

Định hướng cho thừa phát lại

Cuối năm 2015, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc thực hiện chế định TPL (gọi tắt là TPL) trên phạm vi cả nước sau thời gian thực hiện thí điểm. Từ đó, các tổ chức TPL tại TP.HCM tiếp tục phát triển và hoạt động sôi nổi.

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, lĩnh vực này cũng bộc lộ không ít khuyết điểm. Cụ thể là nhiều trường hợp người dân mua bán nhà, đất không có giấy tờ thông qua việc lập vi bằng của TPL ghi nhận sự kiện, hành vi giao nhận tiền, văn bản... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi nhiều người ngộ nhận vi bằng của TPL có giá trị như văn bản công chứng nên vô tư mua bán nhà, đất, nhất là ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM.

Tại TP.HCM hiện có 96 tổ chức hành nghề công chứng, 413 CCV. Từ năm 2016 đến tháng 6-2020, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện chứng nhận 5.304.888 việc. 

Từ thực tế này, năm 2017 và 2019 Sở Tư pháp đã hai lần có công văn gửi các trưởng văn phòng TPL hướng dẫn, nhắc nhở việc lập vi bằng của TPL phải đảm bảo đúng quy định pháp luật và an toàn tính pháp lý, hạn chế rủi ro cho người dân. Cụ thể là TPL phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng, tránh tình trạng người dân ngộ nhận vi bằng của TPL với văn bản công chứng, chứng thực.

Sở cũng hướng dẫn những trường hợp không được lập vi bằng như khi ghi nhận các sự kiện, hành vi nhằm xác nhận, hợp thức hóa các giao dịch trái pháp luật... TPL phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Đó là “TPL không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà, đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp quy định pháp luật”.

Cạnh đó, sở đã chủ động tiếp nhận, xử lý, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, kiên quyết đối với hiện tượng sai khi lập vi bằng. Chẳng hạn, qua thông tin phản ánh, sở đã phối hợp với UBND huyện Hóc Môn kiểm tra, xác định Công ty TNHH-TM-DV nhà đất Đất Vàng treo biển hiệu “Phòng làm chứng Đất Vàng” có dấu hiệu hoạt động hành nghề công chứng, TPL trái luật.

Kết quả là xác định công ty này có hành vi soạn văn bản, đóng dấu giáp lai của công ty vào văn bản làm chứng việc giao dịch, lập các văn bằng ghi nhận sự kiện, hành vi giữa các bên. Sở Tư pháp nhận định việc công ty treo biển hiệu, thực hiện các công việc giống như hoạt động hành nghề công chứng, TPL sẽ gây ngộ nhận lớn cho người dân.

Từ đó, sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hóc Môn kiểm tra, xử lý về hành vi vi phạm quảng cáo không đúng quy định. Cạnh đó là công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân về những thủ đoạn mới trong việc lợi dụng hoạt động hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Số hóa thông tin giúp tra cứu nhanh

Chúng tôi luôn thực hiện nghiêm túc cải cách hành chính liên quan đến công chứng. Từ cơ sở vật chất đến khâu tiếp nhận, xử lý, trả hồ sơ… đều được bố trí hợp lý nhằm rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo kết quả giải quyết hồ sơ nhanh gọn, hiệu quả, đúng pháp luật. Khi người dân đến sao lục hồ sơ liên quan đến hợp đồng mua bán, tặng cho bất động sản từ năm 2019 đến nay thì đều được giải quyết ngay bởi phòng đã số hóa dữ liệu hồ sơ trong giai đoạn này.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNGTrưởng phòng Công chứng số 4

Sở luôn chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời

Phương châm hoạt động của chúng tôi là “Mọi lúc, mọi nơi, đến ngay khi bạn cần” và luôn tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo các hồ sơ mà TPL lập và xử lý đều đảm bảo pháp lý. Trong công tác quản lý, Sở Tư pháp TP đã kịp thời chỉ đạo, xử lý, hướng dẫn các vướng mắc có liên quan đến nghiệp vụ TPL.

Ông NGUYỄN TIẾN PHÁPTrưởng Văn phòng TPL quận Thủ Đức 

 

NGUYỄN QUỲNH

Nguồn: PLO

 

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right