Thuê người xây nhà, nhà sập, chủ nhà có tội?

Thuê người xây nhà, nhà sập, chủ nhà có tội?

(PL)- Chín năm trước, một công trình xây dựng nhà ở sắp xong, gia chủ vừa dọn vào ở đã đổ sụp, làm ba người chết, tám người bị thương. Chủ nhà chưa nguôi nỗi đau mất con thì bị khởi tố cùng nhà thầu.

Dự kiến chiều 13-8, sau thời gian nghị án kéo dài vì nhiều tình tiết phức tạp, TAND sẽ tuyên án vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ chín năm trước đối với hai bị cáo Vũ Thị Tẩm và Đinh Xuân Cầu. Đây là một vụ án mà tòa từng nhiều lần mở phiên xử rồi trả hồ sơ điều tra bổ sung vì bị cáo Tẩm kêu oan…

Khởi tố sau bảy năm xảy ra tai nạn

Theo hồ sơ, tháng 5-2009, sau năm năm chuyển từ Thanh Hóa vào Dĩ An (Bình Dương) sinh sống, làm thuê rồi mua bán nhỏ, bị cáo Tẩm quyết định xây nhà để kinh doanh hoạt động karaoke gia đình trên mảnh đất rộng 165 m2 ở khu nhà ở Sóng Thần 2.

Sau bốn tháng xây dựng, khi căn nhà sắp hoàn thiện, chỉ còn sơn sửa một số công trình nhỏ, Tẩm đưa gia đình vào ở. Chiều 19-12-2009, căn nhà sập đổ hoàn toàn khiến ba người chết, nhiều người bị thương. Trong số các nạn nhân có con trai 10 tuổi của Tẩm chết, một con gái tám tuổi của Tẩm bị thương tật 53%, mất vĩnh viễn một nửa cẳng chân phải. Giá trị thiệt hại của căn nhà gần 2 tỉ đồng.

Sau đó, gia đình Tẩm phải thuê nhà sinh sống. Tẩm khiếu nại yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bên thi công và yêu cầu bên thi công bồi thường thiệt hại. Tháng 7-2016, Tẩm và Đinh Xuân Cầu (chị em cô cậu, được Tẩm thuê thi công nhà) bị khởi tố về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 229 BLHS cũ (khung hình phạt từ tám năm tù đến 20 năm tù). Hiện cả hai đang được tại ngoại.

Thuê người xây nhà, nhà sập, chủ nhà có tội? - ảnh 1
Một phiên tòa xét xử hai bị cáo. Ảnh: PL

Trách nhiệm của ai?

Sau khi nhận hồ sơ truy tố từ VKSND tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương từng nhiều lần mở phiên xử rồi trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ trách nhiệm của Tẩm. Bởi lẽ tại các phiên tòa, Tẩm trình bày đã giao khoán toàn bộ trách nhiệm cho Cầu thực hiện, từ việc thuê vẽ thiết kế đến thuê nhân công xây nhà...

Luật sư của Tẩm cũng cho rằng hành vi của Tẩm không phải là nguyên nhân gây ra sự cố công trình dẫn đến hậu quả chết người. VKS tỉnh kết luận Tẩm có các lỗi vi phạm quy định trong lĩnh vực xây dựng như: Không có hợp đồng thi công xây dựng nhà ở bằng văn bản. Không thuê tư vấn giám sát thi công mà tự tổ chức giám sát trong khi không có đủ điều kiện năng lực hoạt động giám sát. Xây dựng nhà ở không theo thiết kế, không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng...

Theo luật sư, lỗi “không ký hợp đồng thi công xây dựng nhà ở bằng văn bản” không phải là nguyên nhân xảy ra sự cố công trình, chỉ là lỗi hành chính khi cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động xây dựng. Mặt khác, việc có thực hiện giám sát hay không không phải là nguyên nhân chính gây ra sự cố công trình và không phải là nguyên nhân gây chết người khi sự cố xảy ra. Luật chỉ “khuyến khích việc thực hiện chế độ giám sát đối với nhà ở riêng lẻ” để bảo vệ quyền và lợi ích của mình chứ không bắt buộc. Ngoài ra, bản thiết kế xây dựng do một công ty không có chức năng thiết kế nên không có giá trị pháp lý dùng để triển khai thi công nên không thể quy kết Tẩm xây dựng nhà ở không theo thiết kế.

Bên cạnh đó, VKS tỉnh cho rằng Tẩm thực hiện các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng: Vi phạm các quy định về an toàn tính mạng con người, tài sản. Vi phạm quy chế quản lý xây dựng khu nhà ở Sóng Thần 2 (kèm theo Quyết định số 17/2006 của UBND tỉnh Bình Dương): Nhà xây dựng trên ba tầng không lập hồ sơ khảo sát địa chất công trình.

Theo luật sư, theo Điều 76, Điều 78 Luật xây dựng, việc bảo đảm an toàn tính mạng con người, tài sản trong quá trình thi công thuộc về trách nhiệm của đơn vị thi công. Trách nhiệm cũng thuộc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Bởi lẽ suốt quá trình công trình nhà ở được triển khai thi công, quy mô công trình tương đối lớn, được thực hiện công khai giữa ban ngày nhưng chưa được cơ quan thanh tra xây dựng tại địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát lần nào. Hồ sơ thể hiện cán bộ thanh tra trả lời là chưa được phân công kiểm tra xây dựng tại khu vực dự án theo quyết định của UBND tỉnh.

Hơn nữa, việc không lập hồ sơ khảo sát địa chất công trình cũng không phải là nguyên nhân gây ra sự cố công trình. Sau khi sự cố công trình xảy ra thì Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Nam có thực hiện khảo sát địa chất công trình và có kết luận địa chất bình thường.

Chính vì các căn cứ buộc tội Tẩm chưa vững chắc nên cho đến nay TAND tỉnh Bình Dương vẫn khó kết án bị cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về kết quả xét xử của tòa.

Tội vi phạm quy định về xây dựng…

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

(Theo Điều 229 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009)

PHƯƠNG LOAN

Nguồn : PLO.VN

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right