(PL)- TAND TP.HCM là đơn vị đầu tiên xây dựng và thí điểm mô hình đối thoại trực tuyến giữa người dân và cơ quan nhà nước trong vụ án hành chính.
Ngày 27-5, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết đơn vị đã thử nghiệm năm phiên họp đối thoại trực tuyến trong các vụ án hành chính. Theo đó, đơn vị này đã triển khai đề án thí điểm đối thoại trực tuyến trong một tháng qua và cho kết quả tốt. Tòa đã tổ chức thử nghiệm đối thoại trực tuyến một số vụ án hành chính với người bị kiện là các sở, ban, ngành và ủy ban tại TP.HCM.
Lý do đối thoại trực tuyến
Theo Chánh án Phong, việc tổ chức các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến đã đạt những thành công ban đầu khi đạt được sự đồng thuận của cả người khởi kiện, người bị kiện, người liên quan và luật sư.
Theo ông Phong̉, hiện thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh mở rộng khi phải xử sơ thẩm các vụ kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện trở lên nên số lượng án nhiều. Cạnh đó, người bị kiện đều ủy quyền cho cấp phó ra tòa án theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015 và người được ủy quyền đều làm đơn xin vắng mặt suốt quá trình tố tụng.
Việc vắng mặt này là không trái quy định nhưng khi tòa án tiến hành các thủ tục như đối thoại, kiểm tra, tiếp cận chứng cứ và xét xử thì các thủ tục tố tụng không được thực hiện đầy đủ. Vì thế, xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của đương sự, đặc biệt là người khởi kiện, TAND TP.HCM đã thành lập ban xây dựng đề án thí điểm đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính.
Thông qua việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến, người dân sẽ được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến đối tượng bị kiện. Ngoài ra, việc đối thoại sẽ rút ngắn thời gian đi lại như người dân ở các huyện xa như Củ Chi, Cần Giờ và các tỉnh khác.
Chẳng hạn vừa qua, TAND TPHCM tổ chức phiên đối thoại làm việc hiệu quả giữa người khởi kiện quốc tịch Hàn Quốc ngụ Đà Nẵng trong vụ kiện đòi hủy giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty. Các đương sự đều đầu cầu Đà Nẵng đã có thể tham gia trực tuyến đối thoại với bên bị kiện là Sở KH&ĐT TP.HCM.
Một phiên thử nghiệm đối thoại trực tuyến án hành chính. Ảnh: TAND TP.HCM
Tiến tới 24 đầu cầu ở tòa quận, huyện
Theo chánh Tòa Hành chính TAND TP.HCM Trương Thế Trọng, Luật TTHC 2015 chưa có quy định cụ thể về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ bằng đối thoại trực tuyến. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử 2005 và Nghị quyết 04/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa đương sự với tòa án trong vụ án dân sự và hành chính) đã tạo hành lang pháp lý cho đề án thí điểm này.
Cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp thì thời gian qua việc áp dụng mô hình đối ngoại trực tuyến là phù hợp. Tuy nhiên, đối thoại trực tuyến trên chỉ ở một khâu trong quá trình tố tụng hành chính. Vì một vụ án phải trải qua nhiều thủ tục tố tụng: Thụ lý, giao nhận hồ sơ, ghi nhận trình bày ý kiến các bên sau đó mới tiếp cận công khai chứng cứ đối thoại. Trên kết quả đối thoại, tòa mới quyết định đưa vụ án ra xét xử hay không.
Theo ông Trọng, việc đối thoại là khâu bắt buộc thực hiện theo tố tụng quy định và việc thử nghiệm đối thoại trực tuyến giải quyết bất cập hiện nay về phía bên bị kiện. Cụ thể, luật quy định người đứng đầu cơ quan bị kiện nếu không trực tiếp thì chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó trực tiếp (trước kia là ủy quyền cho bất cứ người nào). Như vậy, việc họ có đủ thời gian, nhân lực tham gia quá trình tố tụng vụ án là rất ít (theo thống kê thì 95% họ vắng mặt).
Việc áp dụng đối thoại trực tuyến góp phần giải quyết nhanh, chính xác án hành chính. Nó còn giúp người dân được trực tiếp trao đổi với người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, qua năm phiên thử nghiệm xuất hiện cái khó là sự bị động của tòa trong trường hợp bên bị kiện đi công tác đột xuất trước giờ đối thoại. Dù tòa đã chuẩn bị kỹ mọi việc, chỉ cần bấm nút là tiến hành cuộc họp nhưng không được.
Vì vậy, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên tham gia để đảm bảo thủ tục đối thoại theo quy định. Cạnh đó, TAND TP cũng đang hoàn tất nâng cao kỹ thuật đường truyền âm thanh và phần mềm để đảm bảo cho các phiên đối thoại trực tuyến. Một số thủ tục như chữ ký điện tử, ký biên bản đối thoại, tòa cũng đang chuẩn bị để đảm bảo cho hình thức đạt được yêu cầu theo luật.
Đáng chú ý, theo ông Trọng thì TAND TP.HCM đang lên kế hoạch xây dựng 24 điểm cầu tại các TAND quận, huyện để đảm bảo thuận lợi cho người dân tham gia đối thoại khi họ không có đủ phương tiện kỹ thuật. Việc này vừa hỗ trợ người dân, vừa để tòa án quận, huyện có thể thực hiện đối thoại trực tuyến khi giải quyết án. Mặt khác, tòa án quận, huyện có thể là điểm nối trung gian cho TAND TP.HCM khi giải quyết án hành chính.
Nguồn: Plo