Thi hành án phải coi Thừa phát lại là người bạn đồng hành

Thi hành án phải coi Thừa phát lại là người bạn đồng hành

Thi hành án phải coi Thừa phát lại là người bạn đồng hành

(PLO) - Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) ở Trung ương hôm qua (20/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Với những địa bàn thí điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức; TPL thành hay bại là do cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý “Giám đốc các Sở Tư pháp cần tăng cường công tác tham mưu”.
Doanh thu hơn 54 tỷ đồng
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Hoàng Sỹ Thành cho biết: Với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, việc thực hiện thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Tại Trung ương, các Bộ, ngành đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất vĩ mô cho việc triển khai thí điểm.
Các địa phương thí điểm đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện mà trọng tâm là việc xây dựng đề án, làm các thủ tục để bổ nhiệm TPL; thành lập, đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL; tạo điều kiện để các Văn phòng hoạt động, tuyên truyền phổ biến về việc thí điểm chế định này. Trong quá trình triển khai, Tỉnh ủy/Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm, quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương thực hiện. Tính đến hết ngày 31/7/2014, tổng doanh thu của các Văn phòng TPL là 54 tỷ 133 triệu 245 nghìn đồng.
Đối chiếu với các công việc đề ra tại Đề án ”Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013), Kế hoạch công tác và kết luận tại Phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo thì đến thời điểm hiện nay, các công việc đề ra đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc triển khai thí điểm cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, gặp nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết. Đó là việc triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra. Các cơ quan tham mưu ở các Bộ, ngành, Trung ương chưa chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là Sở Tư pháp, chưa tích cực, các cơ quan thi hành án (THA) chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên...
Bên cạnh đó, đội ngũ TPL còn mỏng, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp chưa cao; các Văn phòng TPL chậm sắp xếp, ổn định về mặt tổ chức để đi vào hoạt động. Trong hoạt động của TPL, các mảng công việc chưa đồng đều, kết quả hoạt động của Văn phòng TPL tại các địa phương mở rộng thí điểm còn thấp; đồng thời hoạt động của các Văn phòng TPL cũng đã bộc lộ một số thiếu sót, sai phạm cần được chấn chỉnh...
Đề xuất Tòa án khi tuyên án phải ghi quyền của người dân được chọn THA hoặc TPL
Là địa bàn có 5 Văn phòng TPL được thành lập với 28 TPL, sớm ổn định và đi vào hoạt động song Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn vẫn không khỏi lo ngại khi ”nhiều TPL năng lực hạn chế, hoặc biết sai vẫn cố tình lập vi bằng mà hậu quả thì khôn lường”. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành thì Sở Tư pháp có trách nhiệm đăng ký vi bằng, tuy nhiên việc thực hiện có nhiều lúng túng do Sở cũng chưa biết chỉ đóng dấu ghi nhận vi bằng hay còn phải chịu trách nhiệm về nội dung. Đây cũng là kiến nghị của Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Long Nguyễn Hòa Bình.
Ngoài việc tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, các ý kiến này đề nghị cần có hướng dẫn rõ về trách nhiệm của Sở Tư pháp trong đăng ký vi bằng. Đồng thời, Bộ Tư pháp, TANDTC cần hướng dẫn, chỉ đạo để các Tòa án, cơ quan THA chuyển giao việc tống đạt giấy tờ cho TPL.
Với nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, TP.Hồ Chí Minh, đơn vị thí điểm đầu tiên trên cả nước đã thu được nhiều thành công. Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Lực nói rõ quan điểm ”có TPL, chúng tôi giảm tải công việc”, tuy nhiên ông Lực cũng thẳng thắn: ”Việc xác minh, trực tiếp tổ chức THA, TPL chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa xứng với tiềm năng của TPL”. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền có điểm nhấn, Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đề xuất các cấp Tòa khi tuyên án cần giải thích rõ ngay trong bản án về quyền của người dân được yêu cầu cơ quan THA hoặc TPL trong tổ chức THA để người dân biết quyền của mình.
Trên tinh thần ủng hộ hoạt động của TPL, tuy nhiên Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cũng rất trăn trở: ”TPL phải tạo cho Tòa án niềm tin là họ tống đạt đúng các văn bản theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định. Bởi nếu chỉ cần sai một văn bản, vụ án không những bị kéo dài mà còn có nguy cơ bị hủy”.
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng ban Chỉ đạo đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động TPL trong thời gian qua trên tất cả mọi lĩnh vực như xây dựng thể chế pháp lý cơ bản cho TPL hoạt động; quán triệt tới cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ công chức; phối hợp tốt với Bộ, ngành, địa phương; lập Văn phòng TPL và bổ nhiệm các TPL cơ bản đạt chỉ tiêu so với kế hoạch; bồi dưỡng nghiệp vụ bước đầu được quan tâm...
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của TPL như: thể chế bộc lộ nhiều vướng mắc, do đó việc lập vi bằng đúng thẩm quyền hay không, việc đăng ký tại Sở Tư pháp như thế nào, nếu sai trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết hậu quả pháp lý cho khách hàng thế nào... còn khó khăn. Việc xác minh điều kiện THA cũng tương tự dù đã có Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn có hiện tượng khi xác minh tài khoản còn tiền mà công văn trả lời là đã hết tiền... Những vấn đề này, theo Bộ trưởng, khi xây dựng Luật TPL sẽ nghiên cứu để tháo gỡ.
Đồng tình với những nguyên nhân đã được chỉ ra trong báo cáo, song Bộ trưởng cũng lưu ý những việc phải làm từ nay đến khi sơ kết (cuối tháng 11/2014) cần tập trung. Đó là: Với những địa bàn thí điểm, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt để nâng cao nhận thức; TPL thành hay bại là do cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng Giám đốc các Sở Tư pháp cũng cần tăng cường công tác tham mưu; tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra ngay trong Ban Chỉ đạo.
Với Tổng cục THADS, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường trách nhiệm, xem địa phương cần gì, khó ở đâu để tháo gỡ, hướng dẫn; Tổng cục phải phối hợp với Học viện Tư pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các cơ quan THADS từ Tổng cục đến các Chi cục phải chấn chỉnh nếu còn nhận thức lệch lạc, phải coi TPL là người bạn đồng hành trong công tác THA. Đối với các ngành ở Trung ương cần tăng cường phối hợp. Còn bản thân các Văn phòng TPL, theo Bộ trưởng: “Phải khẳng định vai trò, vị trí của mình”.
Thu Hằng
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right