Thành phố nghĩa tình - Bài 1: Không tiền thì giúp người bằng máu

Thành phố nghĩa tình - Bài 1: Không tiền thì giúp người bằng máu

(PL)- Hơn 12 năm qua, Câu lạc bộ Gia đình hiến máu của ông Sang đã góp phần mang lại sự sống cho những người chưa từng gặp mặt bao giờ.

LTS: Điều đọng lại trong lòng bất kỳ ai khi đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn là tinh thần tương thân tương ái, là sự chia sẻ. Hầu hết các chương trình thiện nguyện, nhân đạo trên cả nước đều được khởi phát tại đây, kết quả hoạt động cũng luôn dẫn đầu. Tính cách Nam Bộ trong mỗi người Sài Gòn đã góp phần làm nên điều đó. Người cho thì không cần ghi danh, người nhận lại âm thầm trả ơn bằng cách giúp người khác. Tình người nơi đây cứ thế lan tỏa…

Năm 1994, ông Trần Quang Sang (Năm Sang) làm tài xế cho một công ty xe du lịch, trong một lần đi ngang qua trung tâm hiến máu, nhìn thấy tấm bảng đề dòng chữ “Hãy cứu lấy mạng người với một giọt máu của mình!”, có một động lực mạnh mẽ thôi thúc ông bước vào trung tâm và xin được hiến máu. Từ đây, ông đã cứu không biết bao nhiêu người.

Giọt máu người lính già

Sau lần hiến máu đầu tiên, ông thường xuyên lui tới trung tâm. Theo quy định, sau ba tháng kể từ lần hiến đầu tiên mới được hiến tiếp lần hai. Nhưng cứ hai tháng ông lại đến hiến một lần, ban đầu các bác sĩ không đồng ý nhưng lòng nhiệt thành của ông đã thuyết phục được họ.

Trong căn nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Lò Gốm, quận 6, TP.HCM, ông Sang tâm sự: “Tôi từng là một người lính, nhiều lần suýt chết dưới tay giặc. Tôi nghĩ nếu cho đi giọt máu mà cứu được mạng sống người khác là điều nên làm”.

Sau đó trong một lần vào nuôi dì và cậu ở BV Bình An, ông chứng kiến nhiều ca mổ, nhiều ca cấp cứu phải lao đao vì máu, có nhiều ca mổ phải hoãn vì không đủ máu, người chết vì tai nạn mất máu mà không có máu để cứu kịp thời… Trở về nhà, bao nhiêu hình ảnh đó cứ dày vò, bám riết thôi thúc ông vận động người khác cùng hiến máu cứu người.

Ông Sang nói và cuốn sổ nhật ký hoạt động của CLB Gia đình hiến máu. Ảnh: T.TUYỀN

12 người con hiến máu làm quà sinh nhật

Trước tiên ông vận động cả gia đình mình cùng đi hiến máu với suy nghĩ gia đình làm tốt thì sẽ trở thành tấm gương để người khác học hỏi. Ngày sinh nhật của mình, ông đến trung tâm để hiến máu làm gương cho các con, không nhận của các con bất kỳ thứ gì khác. Đến bây giờ, 12 người con của ông đều tham gia hiến máu. Mỗi năm cứ đến sinh nhật ông, các con ông lại tự động đi hiến máu như là món quà ý nghĩa tặng cha. Hai người con làm giáo viên của ông còn vận động cả các thầy cô trong trường cùng tham gia.

Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi lo lắng lắm. Hồi đó nhà không có điều kiện nên tôi chỉ được học đến lớp 5, câu chữ cụt lủn nên trình bày vấn đề còn chưa tốt, lấy gì thuyết phục người ta. Không giỏi nói chữ nghĩa, tôi dành thời gian ngồi nói chuyện, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với họ. Những tài liệu thu thập được tôi mang dán khắp trong khu phố, quán cà phê, tiệm hớt tóc… Họ thấy rồi hỏi, không hiểu chỗ nào tôi giải thích chỗ đó, dần dần họ hiểu ra rồi tự nguyện tham gia”.

Niềm vui khi kéo được ai đó hiến máu cứ thôi thúc ông phải làm nhiều hơn nữa. Có người không rành đường đi lại, ông dẫn người ta đến tận trung tâm rồi về. Ông cứ đội nắng đội mưa, đi hết ngõ hẻm, ngóc ngách trong địa bàn mình sống để kêu gọi mọi người. Sự nhiệt thành của ông cuối cùng cũng được đền đáp khi ngày càng có nhiều người tham gia.

Câu lạc bộ hiến máu

Đến nay, Câu lạc bộ (CLB) Gia đình hiến máu mà ông đã xây dựng suốt 12 năm (2003-2015) có gần 500 lượt người tham gia. Ông còn gầy dựng một đội văn nghệ, mà nòng cốt là CLB đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa quận 6 rồi khuyến khích các thành viên trong CLB tham gia sáng tác để tuyên truyền về hiến máu. Một loạt bài hát về tuyên truyền, vận động hiến máu ra đời từ đó như Tâm sự của cha, Hiến máu cứu người, Hiến dâng dòng nhiệt huyết, Giọt hồng vô giá…

Từng là thành viên tham gia hiến máu nhưng chị Hoa sau đó mắc bệnh nặng. Con gái chị không may cũng bị bệnh về cột sống. Hiểu được sự vất vả của hai mẹ con, ông Sang bỏ tiền túi mua bảo hiểm y tế cho họ. Chị Hoa kể: “Tham gia cùng chú Sang mới ngộ ra được nhiều điều. Không phải có tiền bạc mới giúp người được, mang giọt máu của mình để đem sự sống đến cho người khác, san sẻ cùng họ thì còn gì quý giá hơn”.

Lòng tốt của những người xa lạ

CLB Máu hiếm tại TP.HCM với hơn 150 thành viên cùng có chung mong muốn cứu giúp những người thuộc nhóm máu hiếm được cứu chữa kịp thời.

Chị Trần Thị Quốc Hương (nhóm máu O-Rh-) từng được người khác cho máu để sinh con. Chị nhập viện đêm 28 tết và bác sĩ báo rằng máu chị thuộc nhóm máu hiếm nên đang cần người có nhóm máu giống chị. Người nhà chị không ai thuộc nhóm nên các bác sĩ đã nhờ sự trợ giúp từ CLB Máu hiếm thuộc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM.

Sau lần đó, chị đăng ký tham gia CLB để hiến dòng máu hiếm của mình cho người khác khi cần. Tính đến nay chị đã hiến được 13 lần. Chị Hương chia sẻ: “Người khác giúp mình mẹ tròn con vuông rồi thì mình tiếp tục nối dài lòng tốt của họ bằng cách này thôi. Không biết máu mình sẽ cứu được ai nhưng biết có người cần thì luôn sẵn lòng”.

Phong trào hiến máu nhân đạo đứng đầu cả nước

Qua 20 năm hoạt động, phong trào hiến máu nhân đạo của TP.HCM đã có 1,5 triệu người TP tham gia hiến 1,7 triệu đơn vị máu, đứng đầu cả nước. Riêng năm 2014 đã tiếp nhận được trên 200.000 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu TP giao là 180.000 đơn vị máu. Năm 2014, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP nhận bằng khen của Thủ tướng. Những người hiến máu đã hiến một tài sản vô giá của con người là máu để giúp người khác. Tôi rất xúc động trước những nghĩa cử cao đẹp của người dân TP.

BS LÊ QUANG NINH, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM

THANH TUYỀN

Trích nguồn:http://phapluattp.vn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right