Với mục tiêu bảo đảm thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc áp dụng pháp luật để xác định quốc tịch Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 19 của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP bằng việc liệt kê chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về quốc tịch Việt Nam được ban hành từ năm 1945 đến trước ngày 1/7/2009 làm cơ sở để xác định từng thời điểm việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hay không có quốc tịch Việt Nam.
“Khoanh vùng” đối tượng điều chỉnh
Sửa đổi khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định quy định rõ đối tượng đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 (ngày Luật Quốc tịch năm 2008 có hiệu lực) mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Còn đối với những người chưa mất quốc tịch Việt Nam và có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định Điều 11 của Luật Quốc tịch, kể cả những người có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam sau ngày 1/7/2009 thì không phải đăng ký để xác định quốc tịch, nếu họ có yêu cầu thì thực hiện việc cấp hộ chiếu theo quy định hiện hành.
Theo lý giải của Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Toàn, việc quy định rõ về thời điểm chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề tồn đọng do lịch sử để lại, sự không rõ ràng về giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhiều lý do khác nhau.
Còn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sau ngày 1/7/2009 thì đã khá rõ ràng, đầy đủ về giấy tờ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật nên không cần xác định quốc tịch. Đặc biệt, giải mã cụ thể hơn với hơn 200 nghìn người đã xin thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật năm 2008 kể từ ngày 1/7/2009 là sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung.
Cũng tại Điều 18, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân, Dự thảo Nghị định bổ sung vào khoản 2 Điều này quy định: “Người yêu cầu xác định quốc tịch sau khi đã được xác định có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và có yêu cầu thì được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét cấp hộ chiếu Việt Nam”.
Quy định này một mặt vẫn bảo đảm được quyền xuất/nhập cảnh của người dân, mặt khác cũng phù hợp với quan điểm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh của công dân. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ cần làm thủ tục một lần tại cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam.
Thêm nhiều giấy tờ xác định quốc tịch Việt Nam
Xuất phát từ thực tiễn có nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuy chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhưng cũng không có bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh quốc tịch Việt Nam, Dự thảo Nghị định sửa đổi cho phép tham khảo những giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp qua các thời kỳ (kể cả các giấy tờ do chế độ cũ cấp trước ngày 30/4/1975 ở miền Nam Việt Nam) để xác định quốc tịch Việt Nam.
Các giấy tờ tham khảo này gồm giấy tờ về hộ tịch, quốc tịch, hộ khẩu, căn cước, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp từ năm 1945 đến trước ngày 1/7/2009, trong đó có thông tin về quốc tịch Việt Nam hoặc liên quan đến quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp không có các giấy tờ nêu trên, Dự thảo Nghị định cũng quy định việc tham khảo các giấy tờ khác do cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp có liên quan đến quốc tịch Việt Nam hoặc nguồn gốc Việt Nam để có thêm căn cứ xác định có hay không có quốc tịch Việt Nam như văn bằng, chứng chỉ, học bạ, bảng điểm; trích lục bản án; thẻ cử tri, thẻ công chức, thẻ quân nhân, thẻ hành nghề; giấy cam đoan, biên bản phỏng vấn, văn bản xác nhận của người làm chứng, xác nhận của hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín, kể cả giấy tờ về nhân thân, hộ tịch, quốc tịch, căn cước, hộ khẩu của ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột, con.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, việc mở rộng khả năng, cơ hội để xác định quốc tịch Việt Nam trên cơ sở tham khảo các loại giấy tờ khác nhau nhằm giải quyết vấn đề tồn đọng lâu dài do lịch sử để lại liên quan đến xác định quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. “Việc xác định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là trách nhiệm của cơ quan nhà nước nên chúng tôi mạnh dạn đề xuất “mở” giấy tờ” – ông Khanh nhấn mạnh.
Đồng tình là nên có một trong những loại giấy tờ thể hiện quốc tịch hoặc có liên quan đến quốc tịch Việt Nam để làm căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tráng (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) e ngại, các loại giấy tờ có giá trị để xác định quốc tịch Việt Nam mà lại liệt kê thì “sẽ mãi không hết rồi có khi vẫn thiếu”.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng việc có tới hai loại “giấy tờ khác” như trong Dự thảo Nghị định là quá rộng; hơn nữa cần khẳng định được đâu là những giấy tờ có căn cứ pháp lý (như chứng minh nhân dân không đơn giản chỉ là “giấy tờ khác có giá trị tham khảo”).
Trích Nguồn:http://www.baomoi.com/
|