Siết chặt quy định bổ nhiệm đấu giá viên

Siết chặt quy định bổ nhiệm đấu giá viên

Siết chặt quy định bổ nhiệm đấu giá viên

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất
(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng, với những quy định về bổ nhiệm đấu giá viên theo Nghị định 17/CP hiện nay là quá dễ dãi, dẫn đến tình trạng một bộ phận đấu giá viên yếu kém về năng lực, trình độ. Vì thế, xây dựng Luật đấu giá tài sản phải siết chặt hơn các quy định về bổ nhiệm để đảm bảo chất lượng “đầu vào”.
Đấu giá chưa được coi là một nghề
Theo thống kê, đến nay cả nước có gần 1.200 đấu giá viên; 63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Với số lượng gia tăng đáng kể như vậy nhưng theo Bộ Tư pháp: “Chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản và dịch vụ bán đấu giá trong bối cảnh kinh tế thị trường. Gần một nửa số đấu giá viên được cấp Chứng chỉ hiện nay chưa qua đào tạo nghề; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhiều đấu giá viên còn hạn chế; việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản một cách thường xuyên chưa được nhiều đấu giá viên coi trọng”.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do đội ngũ đấu giá viên tuy đã được đào tạo về nghề đấu giá nhưng ít có cơ hội cọ xát trong thực tế; các quy định hiện hành về điều kiện để trở thành đấu giá viên còn đơn giản, dễ dàng; thời gian đào tạo nghề đấu giá (3 tháng) còn ít so với các chức danh bổ trợ tư pháp khác (so với luật sư và công chứng viên là 12 tháng); chưa có quy định về thực hành nghề nghiệp của đấu giá viên, quy định về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm cho đấu giá viên. Đấu giá chưa được coi là một nghề, không thường xuyên làm việc tại tổ chức đấu giá mà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.
Bắt buộc phải qua tập sự
Để khắc phục tình trạng nói trên, Dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định 2 phương án đào tạo và tập sự hành nghề đấu giá. Phương án 1: Giữ nguyên thời gian đào tạo nghề là 03 tháng, tuy nhiên, bổ sung quy định sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề thì bắt buộc phải đăng ký tập sự tại một tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và thời gian tập sự tối thiểu là 06 tháng. Phương án 2: Không quy định thời gian tập sự hành nghề đấu giá. Tuy nhiên, tăng thời gian đào tạo nghề đấu giá từ 03 tháng lên 6 tháng và bắt buộc trong chương trình đào tạo phải có thời gian tập sự tối thiểu là 03 tháng.
Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng nghĩa vụ bắt buộc tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bán đấu giá tài sản của đấu giá viên. Chế độ bồi dưỡng bắt buộc 01 năm/1 lần.
Luật sư Quản Văn Minh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với quy định 3 tháng đào tạo nghề như hiện nay là quá bất cập vì từ học đến việc tổ chức thành công một phiên đấu giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. ‘’Có người đi học về, ra trường vài năm chưa chắc đã đủ năng lực để thành đấu giá viên nếu không cọ xát với thực tiễn’’. Do đó, Luật sư Minh đề xuất nên có quy định về tập sự hành nghề trước khi bổ nhiệm đấu giá viên và sau khi tập sự phải qua một lớp kiểm tra trình độ.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương Nguyễn Đại Dân đồng tình tăng thời gian đào tạo nghề đấu giá từ 03 tháng lên 6 tháng, tuy nhiên ông Dân đề nghị bỏ hẳn quy định về miễn giảm thời gian đào tạo đấu giá viên quy định tại điều 7 Nghị định 17. ‘’Hoạt động đấu giá là lĩnh vực đặc thù, không phải cứ học xong bổ nhiệm được ngay. Ta cần quy định phải hoạt động trong tổ chức đấu giá chuyên nghiệp 2 năm mới được cử đi học. Và không nên quy định miễn giảm cho bất cứ trường hợp nào, kể cả giáo sư, tiến sỹ’’ - ông Dân nói.
Còn theo ông Trương Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính lại có quan điểm khác: ‘’Đào tạo 3 hay 6 tháng không thành vấn đề mà quan trọng là chất lượng đào tạo. Nên có chương trình đào tạo phù hợp, chủ yếu là kỹ năng, nghiệp vụ và pháp luật về đấu giá để học viên nâng cao trình độ’’.
Quá trình lấy ý kiến Dự thảo Luật đấu giá tài sản, nhiều ý kiến đồng tình cần siết chặt quy định bổ nhiệm đấu giá viên để tăng cường hơn nữa tính chuyên nghiệp của đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu về phát triển dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp.
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản quy định người đủ điều kiện để trở thành đấu giá viên là đã tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc ngành kinh tế, đã qua đào tạo nghề đấu giá 03 tháng (trừ trường hợp được miễn đào tạo). Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy chất lượng đội ngũ đấu giá viên còn nhiều hạn chế, yếu kém về chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, vẫn còn biểu hiện tiêu cực trong bán đấu giá. So với yêu cầu của pháp luật ở một số nước trên thế giới thì điều kiện để trở thành đấu giá viên ở nước ta còn đơn giản, dễ dãi.
(Trích Báo cáo của Tổ Biên tập xây dựng Luật đấu giá tài sản)
Ngọc Thu
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right