Sẽ buộc 340 ngàn ô tô lắp camera?

Sẽ buộc 340 ngàn ô tô lắp camera?

(PL)-  Bộ GTVT đưa ra lộ trình bắt buộc lắp camera đối với các phương tiện kinh doanh vận tải nhằm kiểm soát hoạt động của các phương tiện này.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, điểm đáng chú ý là tại Điều 12 về quy định thiết bị giám sát hành trình của xe đã bổ sung quy định và lộ trình lắp camera.

Hạn chế CSGT xuống đường?

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 của dự thảo quy định: “Thiết bị giám sát hành trình gắn trên ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc hoạt động kinh doanh vận tải, ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên phải cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe và đảm bảo theo lộ trình”.

Cụ thể, trước ngày 1-7-2022 đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ chín chỗ trở lên; trước ngày 1-7-2023 đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc; trước ngày 1-7-2024 đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên; trước ngày 1-7-2025 đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới chín chỗ.

Theo Bộ GTVT, quy định này là tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và thực hiện theo kết luận Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sáu tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm quý III và sáu tháng cuối năm 2018.

Liên quan đến đề xuất trên, Bộ Tư pháp cho rằng kinh nghiệm các nước tiên tiến bắt buộc lắp camera kết nối GPS (kết nối qua vệ tinh để giám sát hành trình - PV) trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện. Mọi thông tin GPS của các loại hình vận tải được công khai trên nền tảng web, bất cứ ai cũng có thể vào xem và kiểm tra; thay vì hiện nay các quy định về quản lý còn nhiều bất cập, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các lực lượng chức năng tham nhũng, trốn thuế, xe dù, bến cóc, khó phối hợp thực hiện. “Lắp camera trên xe kết nối GPS để xử phạt bằng công nghệ sẽ hạn chế phụ thuộc vào các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông” - đại diện Bộ Tư pháp ý kiến.

 

Sẽ buộc 340 ngàn ô tô lắp camera? - ảnh 1

Sẽ buộc 340 ngàn ô tô lắp camera? - ảnh 2
Hiện nay, trên một số tuyến xe buýt ở TP.HCM đã được lắp camera cả trong và ngoài xe để theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của phương tiện. Ảnh: LƯU ĐỨC

“Quá đắt đỏ!”

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), cho rằng việc lắp thêm camera khó khắc phục được tình trạng hối lộ dọc đường của lực lượng chức năng, vì lắp phía trước họ chạy ra phía đuôi xe thực hiện hành vi trên. Nếu lắp để giám sát hoạt động của tài xế thì hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo ông Bằng kinh phí để thực hiện việc lắp hộp đen có hình ảnh trực tiếp và liên tục rất đắt đỏ.

“Tôi từng có ý định lắp camera truyền hình ảnh trực tiếp cho các xe của mình, tiền mua camera gần 2 triệu đồng nhưng tiền 3G, 4G để truyền trực tiếp hình ảnh về công ty lên đến 10 triệu đồng/tháng, với chi phí này là quá đắt đỏ nên tôi không thể làm được” - ông Bằng khẳng định.

Tuy nhiên, hiện nay công ty của ông Bằng đang lắp camera trên các xe để quản lý nhân viên theo hình thức khác. Theo đó, cứ năm phút camera này chụp một hình ảnh trên xe gửi về công ty. Với hình thức này ông Bằng cho biết giảm chi phí rất nhiều và hiệu quả hơn.

Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng việc bắt buộc lắp camera cần phải xem xét cẩn trọng vì kinh phí thực hiện rất lớn. Nếu buộc phải lắp, kinh phí đó không phải đè lên doanh nghiệp mà chính người dân phải chịu, vì doanh nghiệp sẽ tính vào kinh phí vận chuyển. “Bên cạnh đó, tính hiệu quả của việc lắp đặt này cũng cần được xem xét, như thiết bị giám sát hành trình hiện nay chúng ta vẫn chưa tận dụng triệt để nên còn gây lãng phí, nay đùng một cái thay thiết bị khác là thiếu hợp lý…” - vị chuyên gia này nói.

Ông Bùi Danh Liên, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng không nên quy định bắt buộc lắp hộp đen. “Những năm qua, doanh nghiệp vận tải đang rất khó khăn, do giá nhiên liệu tăng nay lại phải tốn tiền vì lắp thêm thiết bị này thì quá khó cho họ…” - ông Liên nói.

Khái niệm mập mờ làm hại dân

Từ sau năm 2014, các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô hợp đồng, liên tỉnh, xe buýt, xe container… đã phải lần lượt thực hiện lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị giám sát GPS, GSM thông qua vệ tinh mà ta hay gọi nôm na là “hộp đen"). Nay bản dự thảo Nghị định 86 vừa được Bộ GTVT trình lên Thủ tướng Chính phủ đưa ra thêm chức năng ghi nhận hình ảnh hoạt động của tài xế ở hộp đen. Việc ghi nhận hình ảnh hoạt động của tài xế như đang áp dụng trong xe buýt ở TP. HCM được coi là camera giám sát trong xe. Ngoài ra, ở TP.HCM, nhiều xe buýt có cả camera giám sát bên ngoài thân xe và giám sát hoạt động của con người, phương tiện phía trước xe (mà ta hay gọi là camera giám sát hành trình).

Vậy nên hiểu Bộ GTVT đưa ra quy định hộp đen phải có chức năng ghi nhận hình ảnh hoạt động của tài xế là loại camera gắn bên trong xe hay loại gắn bên ngoài (nhằm mục đích giám sát hành vi của lực lượng công vụ trên đường như thuyết minh của Bộ GTVT)? Việc mập mờ, không làm rõ khái niệm, thuật ngữ về loại thiết bị kỹ thuật… sẽ chỉ là biến tướng một cách hành dân mới của Bộ GTVT.

Phó giám đốc một hãng xe khách lớn ở TP.HCM

L.ĐỨC ghi

Bộ GTVT cho biết quy định này sẽ có tác động trên 340.000 phương tiện kinh doanh vận tải. Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có thêm chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của tài xế.

Hiện nay trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị cho trên 340.000 phương tiện sẽ vào khoảng 1.500-1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỉ đồng/năm.

VIẾT LONG

Nguồn : PLO.VN

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right