Quyền im lặng chờ luật sư: Vẫn chờ… cơ quan tiến hành tố tụng “gật đầu”

Quyền im lặng chờ luật sư: Vẫn chờ… cơ quan tiến hành tố tụng “gật đầu”

Quyền im lặng chờ luật sư: Vẫn chờ… cơ quan tiến hành tố tụng “gật đầu”

Ảnh minh họa
(PLO) - Thiếu sự tham gia của luật sư là một trong những nguyên nhân được cho là dẫn đến tình trạng oan, sai, bức cung, dùng nhục hình khi giải quyết án hình sự. Quyền im lặng chờ luật sư vì thế đã được đặt ra nhưng chưa biết bao giờ mới được luật hóa.
Sửa đổi Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến tính độc lập và nghiêm minh của quá trình tố tụng. Trong khi giới luật sư mạnh mẽ đòi cụ thể hóa quyền im lặng chờ luật sư của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thì dường như các cơ quan tiến hành tố tụng lại không “mặn mà”. Cho ý kiến về hai dự thảo Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến những điều kiện đảm bảo nguyên tắc tranh tụng với sự tham gia của luật sư để có một nền tư pháp thực sự công bằng.
Không tranh tụng, phiên tòa không hợp lệ
Đó là vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần phải xem xét khi sửa đổi luật tổ chức của TAND và VKSND bởi “Nếu không đảm bảo những điều đó thì toà không thể công bằng, không thể là người bảo vệ công lý được”. Theo Chủ tịch Quốc hội, “hai Luật sửa đổi có quy định nguyên tắc xét xử tranh tụng? Khi tòa xét xử mà không đảm bảo nguyên tắc có tranh tụng thì đã đủ điều kiện mở phiên tòa? Bị can có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư bên cạnh mới khai không?”.
Định hướng rõ cho việc sửa đổi 2 dự thảo Luật quan trọng cho quá trình tố tụng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “Tòa án phải bảo đảm quyền tranh tụng, việc có mặt của luật sư tại phiên tòa. Kiểm sát viên phải kiểm sát vấn đề này ngay từ đầu”. Đồng thời, “sửa luật phải đảm bảo có tranh tụng, nếu không đảm bảo thì không được mở phiên tòa. Mở phiên tòa ra mà không ai tranh tụng, chỉ mỗi kiểm sát viên buộc tội thì phiên tòa không hợp lệ”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
Chiến lược cải cách tư pháp xác định luật sư là “linh hồn” để hiện thực hóa nguyên tắc tranh tụng tại tòa nói riêng và trong quá trình làm sáng tỏ sự thật của vụ án nói chung. Tuy nhiên, theo giới luật sư nhiều lần phản ánh, quyền bào chữa của luật sư chưa được tôn trọng và đảm bảo thực hiện đúng pháp luật thì quyền im lặng chờ luật sư… còn xa vời.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng thừa nhận, “Quyền im lặng của bị can, bị cáo khi bị bắt là vấn đề lớn nhưng VKSNDTC đề nghị sẽ có những định hướng về vấn đề này”. Thực tế, cần phải dung hòa về vấn đề này vì “cơ quan điều tra không muốn, trong khi luật sư mong muốn thực hiện quyền này”. Đáng lưu ý là mô hình tố tụng của nước ta hiện là mô hình tố tụng thẩm vấn, có kế thừa mô hình tranh tụng nên “bảo đảm quyền tranh tụng của luật sư nhưng cũng phải bảo đảm quyền lực công của nhà nước” – Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh.
Tòa án phải được điều tra để không lọt người, lọt tội
TANDTC đề nghị trong những trường hợp cần thiết, Tòa án có thẩm quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ (hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra, xác minh, bổ sung chứng cứ) đối với những vụ án mà VKS đã truy tố và Tòa án đã thụ lý để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trường hợp trong quá trình xét xử, nếu Tòa án phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm hoặc có người phạm tội mới thì Tòa án khởi tố vụ án để chuyển cho Cơ quan điều tra tiến hành điều tra như quy định tại Điều 104 của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành. Việc giao thẩm quyền này cho Tòa án sẽ góp phần khắc phục những hạn chế bất cập trong việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung như hiện nay.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình làm rõ, “Việc giao thẩm quyền điều tra cho Tòa án sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong việc Tòa án trả hồ sơ điều tra, bổ sung như hiện nay; bởi lẽ theo quy định của Bộ luật TTHS hiện hành thì trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng cơ quan Điều tra, VKS không bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, thậm chí đình chỉ vụ án thì Tòa án không có cơ sở pháp lý để kiểm soát có hiệu quả hoạt động này”.
Nhưng đề xuất này vẫn gây ra nhiều băn khoăn vì về bản chất Tòa án là cơ quan phán quyết nếu Tòa án tham gia ngay từ đầu tiến trình giải quyết vụ án thì không bảo đảm, không giám sát được vì Tòa án không có hồ sơ mà lại “lấn sân” với chức năng của cơ quan khác và ảnh hưởng đến tiến trình điều tra.
Vì thế, một số ý kiến cho rằng, khi vụ án được đưa ra xét xử, nếu Tòa án phát hiện sai sót từ giai đoạn điều tra hoặc truy tố, nếu có đủ căn cứ Tòa án tiến hành điều tra mà không trả hồ sơ để các cơ quan tố tụng điều tra lại từ đầu, quy định như vậy là phù hợp với quy định về việc Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp đã hiến định./.
Huy Anh

Trích nguồn:http://baophapluat.vn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right