Máy xúc chuyên dụng bị tịch thu do Bộ GTVT chưa lập, công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu
(PLO) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) “gói” tất cả các loại xe máy chuyên dùng bị đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ vào nhóm hàng cấm nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe máy chuyên dùng qua sử dụng than trời vì bị... làm khó.
Không thực hiện yêu cầu của Chính phủ
Theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ là loại hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Quy định này được xác định là quy định khung đối với hoạt động xuất nhập khẩu xe máy chuyên dùng.
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh thương mại, tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động sản xuất có nhu cầu sử dụng các loại xe máy chuyên dùng như máy xúc, máy đào, máy xúc lật… - những loại phương tiện xe máy chuyên dùng đã qua sử dụng có mức giá rẻ hơn nhiều lần so với phương tiện chuyên dụng mới, chưa sử dụng được nhập khẩu vào Việt Nam để phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất của các DN vừa và nhỏ, Nghị định 187/2013 yêu cầu Bộ GTVT lập, công bố danh mục, ghi mã số HS – mã số các loại máy chuyên dùng được mã hóa, được mô tả trong Biểu thuế xuất nhập khẩu cụ thể các loại xe máy chuyên dùng bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ bị cấm xuất, nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi, là cơ sở pháp lý cho các DN thực hiện việc nhập khẩu phương tiện cơ giới chuyên dụng đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không thực hiện các yêu cầu này của Chính phủ. Cụ thể, tại Thông tư 19/2014/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định 187/2013 được Bộ GTVT ban hành ngày 28/5/2014 nhằm “hiệu chỉnh” Thông tư 23/2009 quy định kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng, có hiệu lực trước khi Nghị định 187/2013 được ban hành, chỉ có 01 điểm thay thế Thông tư cũ là: “Khi có nghi vấn về tình trạng số khung hoặc số động cơ của xe máy chuyên dùng bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại thì cơ quan kiểm tra chất lượng sẽ trưng cầu giám định tại cơ quan chuyên ngành để xử lý cụ thể” để thay thế cho quy định “Đối với xe máy chuyên dùng nhập khẩu có số khung hoặc số động cơ bị đục sửa do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất thì phải được nhà sản xuất xác nhận. Trường hợp có nghi vấn về số khung hoặc số động cơ của xe thì cơ quan kiểm tra chất lượng có thể trưng cầu giám định của cơ quan giám định chuyên ngành”.
Thông tư 19/2014 của Bộ GTVT bổ sung quy định xác nhận kết quả kiểm tra là: “Đối với xe máy chuyên dùng có số khung hoặc số động cơ bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại thì cơ quan kiểm tra chất lượng dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; lập biên bản ghi nhận về tình trạng xe máy chuyên dùng vi phạm quy định tại Nghị định; thông báo tới tổ chức, cá nhân nhập khẩu và hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để giải quyết theo quy định”.
Như vậy, Bộ GTVT đã không lập, công bố danh mục, ghi mã số HS đối với xe chuyên dụng bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ như quy định mà thay vào đó, Bộ GTVT chỉ “hiệu chỉnh” Thông tư với những quy định mới này để xác định có nghi vấn hay xác định phương tiện cơ giới có bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ dưới hình thức tác động của con người hay trong quá trình sử dụng hay không, phương tiện nhập khẩu vẫn phải trưng cầu giám định để xác định lại số khung, số động cơ có bị tẩy xóa, đục sửa hay không.
Nếu xác định số khung, số động cơ bị tẩy, đục, đóng lại có yếu tố tác động chủ quan từ con người nhưng không làm rõ nguyên nhân tại sao bị đóng lại số khung, số động cơ, phương tiện cơ giới chuyên dụng sẽ bị dừng làm thủ tục nhập khẩu, chờ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bị tịch thu do xác định có lỗi trong lĩnh vực hải quan, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện cấm xuất, nhập khẩu.
Xác định đúng vẫn bị thu giữ
Theo ghi nhận của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến thời điểm hiện tại đã có 9 chiếc máy xúc, xe lật, máy đào bánh xích, xe nâng… của 9 DN nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng được Cục Đăng kiểm – Bộ GTVT xác định có các lỗi bị tẩy xóa, đục lại số khung, số động cơ đã bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, bị tịch thu. Gần 100 phương tiện cơ giới chuyên dụng khác đang chờ xử lý.
Điều đáng nói, theo kiến nghị của các DN, số khung, số máy trên các phương tiện cơ giới chuyên dụng bị đục lại số khung, số động cơ nhưng kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an xác định mặc dù các số khung, số động cơ có bị đục lại nhưng vẫn đúng số khung, số động cơ của nhà sản xuất từ Nhật Bản, vẫn bị tịch thu. Theo lý giải tại Công văn số 1867/ĐKVN – VNQ ngày 16/7/2014 của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, số khung, số động cơ trên các phương tiện cơ giới chuyên dụng bị đục lại là do sự can thiệp của con người, thuộc trường hợp vi phạm quy định tại Nghị định 187/2013; Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ chấp nhận những số khung, số động cơ bị ảnh hưởng bởi yếu tố tự nhiên, khách quan.
Chưa hết, nhiều DN như Cty TNHH Đoàn Xuân (Hải Phòng) ký hợp đồng để nhập khẩu máy xúc, máy đào chuyên dụng trước ngày 20/2/2014 - ngày Nghị định 187/2013 có hiệu lực thi hành - nhưng khi nhập khẩu số máy xúc, máy đào về Cảng Hải Phòng vẫn bị Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định có lỗi nhập khẩu thiết bị cơ giới bị tẩy, xóa, đục lại số khung, số động cơ để kiến nghị các ngành chức năng xử phạt DN, tịch thu hàng hóa.
Theo Công văn số 6085/BCT – XNK ngày 2/7 của Bộ Công Thương, việc quy định bổ sung cấm nhập khẩu mặt hàng xe máy chuyên dụng bị tẩy xóa, đục, đóng lại số khung, số động cơ là đề xuất của Bộ GTVT nhằm chống gian lận thương mại, tránh gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Phản bác lại lập luận này của Bộ Công Thương, trong đơn kiến nghị gửi tới Thủ tướng, các DN này cho rằng yếu tố gian lận thương mại trong việc tẩy xóa, đóng lại số khung, số động cơ trên máy chuyên dụng là không đúng, bởi lẽ phương tiện cơ giới chuyên dụng là mặt hàng Nhà nước khuyến khích nhập khẩu bởi mức thuế nhập khẩu là 0%. Hơn nữa, phương tiện cơ giới chuyên dụng cũng không bị hạn chể bởi thời hạn sử dụng, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu như các loại ô tô thông thường. Chất lượng phương tiện không phụ thuộc vào số khung, số động cơ mà phụ thuộc kết quả kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của chính cơ quan đăng kiểm.
Các DN cho rằng, việc Bộ GTVT không lập, công bố mã số HS đối với hàng hóa là xe máy chuyên dụng bị đục lại số khung, số động cơ như yêu cầu của Nghị định 187/2013, Bộ GTVT chỉ cứng nhắc, “bê nguyên xi” các quy định chung chung tất cả các xe máy chuyên dụng bị tẩy xóa, đục lại số khung, số động cơ như quy định tại Nghị định này vào đối tượng bị cấm nhập khẩu là hành động gây khó cho các DN nhập khẩu, đẩy các DN nhập khẩu loại hàng hóa này về Việt Nam vào tình trạng vi phạm pháp luật, bị phạt tiền, bị tịch thu hàng hóa.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong khi Bộ GTVT chưa lập, công bố danh mục, mã số HS đối với xe chuyên dụng bị tẩy xóa, đục sửa số khung, số động cơ nhưng lãnh đạo Cục Đăng kiểm vẫn chấp nhận những phương tiện bị thay đổi số khung, số động cơ do tác động ngoại cảnh thì Bộ GTVT cần tháo gỡ cho DN theo hướng chấp thuận những phương tiện bị đục số khung, số động cơ nhưng kết quả giám định vẫn đúng với số khung, số động cơ của nhà sản xuất, chấp thuận những DN ký hợp đồng ngoại trước khi Nghị định 187/2013 có hiệu lực pháp luật.