Phòng, chống tham nhũng: Xử lý mạnh mới hiệu quả?

Phòng, chống tham nhũng: Xử lý mạnh mới hiệu quả?

Phòng, chống tham nhũng: Xử lý mạnh mới hiệu quả?

Ảnh minh họa
(PLO) - Một số chuyên gia cho rằng, không phải cứ xử lý mạnh là xong mà để chống tham nhũng hiệu quả, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ…
Để góp phần khắc phục những bất cập trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng như bảo đảm sự tương thích với Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (TN), quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 đã tính đến việc mở rộng phạm vi các tội phạm TN ra khu vực tư và hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Thận trọng khi quy định tội tham nhũng trong khu vực tư
Kết quả nghiên cứu “TN, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp - thực trạng và giải pháp” của Thanh tra Chính phủ, TN trong hoạt động của doanh nghiệp được coi là vấn đề đáng quan ngại với hơn 70% doanh nghiệp tự động đưa “hối lộ nhỏ” cho cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công để giải quyết công việc nhanh chóng.
Trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp, báo cáo của Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam (ITBI) cho biết, 64,7% doanh nghiệp cho rằng các cấp quản lý trong doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân...
Có thể nói, TN trong khu vực tư ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng, song BLHS hiện hành chưa ghi nhận loại tội phạm này. Do vậy, trong thực tiễn, người thực hiện một số hành vi tương tự như hành vi TN, chỉ khác là trong khu vực tư, thường bị xử lý về tội phạm khác (có thể bị truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Cách xử lý này chưa thực sự phù hợp và chưa phản ánh đúng bản chất của tội phạm TN theo yêu cầu của Công ước chống TN.
Vì thế, tại cuộc họp diễn ra vào hôm qua (3/10), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, việc quy định tội phạm TN trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn thuộc các thành phần ngoài nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi như hành vi nhận tiền hối lộ của người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư nhân… phải được xác định là những hành vi TN để có chính sách xử lý thống nhất và phù hợp.
Đồng tình với việc mở rộng phạm vi các tội phạm về TN trong khu vực tư, nhưng Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hiển đề nghị phải hết sức thận trọng. “Mức độ xử lý tội phạm TN trong lĩnh vực tư nên hạn chế, vì lĩnh vực tư có cơ chế tự chủ khác; hơn nữa, đất nước ta đang trong quá trình phát triển thì chỉ giới hạn phạm vi tội phạm TN với một số hành vi, bước đầu có thể chỉ là tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ” – ông Hiển phân tích.
Làm giàu bất chính “thoát án” hình sự?
Một hành vi gây bức xúc thời gian qua song chưa được BLHS 1999 quy định là hành vi làm giàu bất chính. Điều 20 Công ước chống TN khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, tuy nhiên, qua các hội thảo, tọa đàm về sửa đổi BLHS, có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến lý giải, yêu cầu hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp trong điều kiện nước ta hiện nay là chưa cấp bách; một số ý kiến khác đề xuất phải hình sự hóa hành vi này vì Luật PCTN 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) đã đặt nền móng cho việc xử lý đối với hành vi làm giàu bất chính.
Tổ biên tập Dự án BLHS sửa đổi thì nhận thấy trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước cũng như tính khả thi của BLHS. Trước mắt, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm TN, có thể cân nhắc bổ sung tội vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng với các điều kiện chặt chẽ trên tinh thần chủ yếu là để răn đe, phòng ngừa, chỉ xử lý đối với những trường hợp vi phạm có tính hệ thống, cố tình che giấu hoặc không giải trình rõ về nguồn gốc đối với số lượng tài sản, thu nhập lớn.
Dẫn lại con số được nêu trong Báo cáo công tác PCTN năm 2014 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp mới đây, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Trần Văn Độ cho biết, trong số gần 1 triệu trường hợp đã kê khai tài sản thu nhập năm 2013, chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. “Các quy định hiện hành về tội TN khá đầy đủ và nghiêm khắc. Vấn đề quan trọng là chúng ta áp dụng ra sao và có các giải pháp đồng bộ khác, chứ bổ sung tội vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chưa chắc đã chống TN hiệu quả” – ông Độ nhấn mạnh.
Thục Quyên
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right