Phố đi bộ Nguyễn Huệ của người khuyết tật

Phố đi bộ Nguyễn Huệ của người khuyết tật

(PL)- Bà Judith Heumann, Cố vấn cao cấp của chính phủ Mỹ về quyền của người khuyết tật quốc tế, đã đến thăm Việt Nam. Bà đã làm việc với các bộ, ban, ngành và các tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy quyền lợi của người khuyết tật.
Trong buổi gặp với lãnh đạo UBND TP.HCM vào tối 4-5, bà Judith Heumann mong muốn các cơ quan chức năng của TP quan tâm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, đồng thời xây dựng nhiều hơn nữa các công trình công cộng mà người khuyết tật có thể sử dụng.

Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ và hợp tác trợ giúp người khuyết tật của Việt Nam. Ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định những công trình mới xây dựng của TP.HCM luôn bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, cụ thể như công trình tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ có thiết kế phần đường dành riêng cho người khuyết tật.

Sáng 5-5, bà Judith Heumann đã có buổi đi thực tế bằng xe lăn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

. Phóng viên: Sau khi trải nghiệm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP.HCM, cảm nhận của bà như thế nào?

+ Bà Judith Heumann: Đây là một công trình thân thiện cho người khuyết tật. Tôi cảm thấy rất vui vì khi xây dựng người ta đã nghĩ đến người khuyết tật. Tuy nhiên, tôi nghĩ nên có một chút thay đổi, cụ thể tại cửa thang máy dành cho người khuyết tật, nếu bắt người khuyết tật nhấn nút để giữ cửa sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mong có sự lưu tâm để có điều chỉnh phù hợp hơn cho người khuyết tật. Điều quan trọng nhất phải nhận thấy là trong hệ thống phố đi bộ đã có sự kết nối, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội trở thành người sử dụng phố đi bộ.

Bà Judith Heumann trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: QUỲNH TRANG

. Thời điểm này năm ngoái bà cũng có chuyến thăm Việt Nam nhưng lúc này Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Lần này trở lại Việt Nam đã phê chuẩn công ước, bà thấy sự thay đổi như thế nào?

+ Một khi đã phê chuẩn công ước bảo vệ quyền của người khuyết tật đó là cam kết của Chính phủ đối với người dân Việt Nam cũng như với thế giới rằng Việt Nam đang từng bước thay đổi tích cực.

. Trong dịp này bà sẽ có buổi gặp với Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM, bà có những kinh nghiệm gì để chia sẻ với ban quản lý dự án để có thiết kế cho metro sắp tới phù hợp với người khuyết tật?

+ Khi làm việc, chúng tôi sẽ lắng nghe xem dự án đang và sẽ làm gì để tạo điều kiện cho người khuyết tật. Metro đang xây dựng hệ thống mới, chúng tôi muốn biết không chỉ người khuyết tật mà cả những đối tượng khác như người già, người không có khả năng vận động, phụ nữ đang mang thai, trẻ em… sẽ được tiếp cận hệ thống này như thế nào. Chúng tôi muốn giải thích rằng ở Mỹ và một số quốc gia khác, chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng trên những tuyến xe điện ngầm, xe buýt, tàu… để những người gặp khó khăn trong vận động có thể tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

Khi tôi làm việc cùng UBND TP.HCM vào tối 4-5, tôi biết rằng TP.HCM có thỏa thuận quan hệ hữu nghị với TP San Francisco. Tôi nghĩ rằng từ mối quan hệ này, TP.HCM có thể mở rộng hơn mối quan hệ để lấy kinh nghiệm từ San Francisco về những chính sách, hỗ trợ cho người khuyết tật. Ngay tại Mỹ, San Francisco là một TP có mô hình hỗ trợ cho người khuyết tật rất thành công, như tại đây người khuyết tật có thể tiếp cận hoàn toàn các loại hình dịch vụ.

. Xin cám ơn bà.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (đại diện chủ đầu tư), phố đi bộ Nguyễn Huệ được thiết kế, xây dựng phục vụ cả cho đối tượng là người khuyết tật theo luật định. Cụ thể, toàn bộ đá granite lát từ vỉa hè, phần đường cho đến quảng trường lõi ở giữa được mài nhám trên mặt để tạo độ bám cho bàn chân/bánh xe của người già, người khuyết tật đi bộ hoặc đi xe lăn. Giữa các viên đá không được gắn khít, dính vào nhau mà được chạy rooang (chỉ) rộng và sâu làm tăng thêm độ nhám, bám của mặt đường vào chân hoặc bánh xe của người đi.

Phần bó vỉa ngăn cách giữa vỉa hè với phần đường hoặc tiếp cận với khu quảng trường chênh nhau không quá 5 cm và được lát đá vát nghiêng cạnh dài 25-30 cm. Điều này làm cho người già, người khuyết tật (người đi nạng, đi xe hoặc người khiếm thị) dễ dàng di chuyển, chuyển tiếp, tiếp cận từng khu vực chức năng của phố (vỉa hè, đường và quảng trường)…

Đường xuống cầu thang nhà vệ sinh ngầm được thiết kế phù hợp nhưng vẫn luôn có người ứng trực để giúp đỡ người già, người khuyết tật. Ảnh: L.ĐỨC

Ngay hai bên hàng tam cấp bước lên khu tượng đài của Bác có hai đường vuốt dốc thoai thoải với độ bám cao để cho người già, người khuyết tật đi lên gần bệ tượng đài, nơi để lư hương…

Việc quan tâm tới người già, người khuyết tật còn thể hiện ở cầu thang đi xuống nhà vệ sinh công cộng nằm ngầm dưới đất. Cầu thang này có độ dốc thoai thoải hơn so với cầu thang nhà bình thường và ở giữa có chiếu nghỉ. Hai bên cầu thang có tay vịn bằng inox chắc chắn. “Cạnh đó sẽ có lực lượng luôn ứng trực ở cửa cầu thang để sẵn sàng giúp đỡ người già, người khuyết tật lên xuống khu vực nhà vệ sinh công cộng ngầm này!” - ông Ninh nói.

L.ĐỨC - H.TUYÊN

Bà Judith Heumann bị bại liệt từ 18 tháng tuổi làm mất đôi chân. Mẹ bà đã tổ chức một hiệp hội những bà mẹ ở TP New York đòi hỏi chính quyền xây dựng một số trường trung học trong TP nơi học sinh khuyết tật có thể học tập và sinh hoạt phù hợp. Ảnh hưởng từ mẹ, bà đã quyết định đi theo con đường đấu tranh cho quyền lợi của người khuyết tật. Bà là giáo viên ngồi trên xe lăn đầu tiên của New York; một trong những thành viên sáng lập ra tổ chức Hành động vì người khuyết tật, là người lãnh đạo đầu tiên của phong trào Sống độc lập của người khuyết tật trên thế giới. Bà còn là cố vấn đặc biệt trong vấn đề xây dựng luật dành cho người khuyết tật dưới chính phủ của Tổng thống Mỹ Obama.

QUỲNH TRANG

Trích nguồn:http://phapluattp.vn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right