(PLO) - Một phát biểu gần đây của ĐB Đỗ Văn Đương đã khiến các luật sư phẫn nộ khi ông nói rằng: “Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”. Trả lời báo chí bên lề cuộc họp sáng nay, một lần nữa, ông Đương khẳng định quan điểm của mình: “Không có tiền, luật sư sống bằng không khí à?”
- Thưa ĐB, ông có đính chính lại phát biểu của mình đã khiến các luật sư bất bình?
Tôi không nói luật sư bào chữa vì tiền mà là bào chữa cho người có tiền. Tôi nói thế là đúng chứ không phải tôi nói luật sư vì tiền. Người ta làm việc thì phải có thù lao chứ không thì lấy không khí mà sống à? Muốn có thù lao thì phải là người có tiền chứ người nghèo, người vô gia cư không có tiền bạc, người nghiện hút thì lấy đâu ra tiền thuê luật sư?
Trong 100% vụ án hiện nay thì thấy 80% không có luật sư, có nguyên nhân do thiếu luật sư, nhưng cơ bản là người ta không có tiền.
Trong vụ án kinh tế, 100% là có luật sư bào chữa, đặc biệt vụ án tham nhũng lớn, vụ án nhiều tiền thì luật sư vào ngay từ đầu, ngay khi khởi tố vụ án luật sư đã vào rồi. Hay ví dụ rõ thấy qua những vụ án lớn như Huyền Như, bầu Kiên mà luật sư vẫn cãi là không có tội, lý do là tại sao?
Tôi hiểu, vai trò luật sư rất quan trọng. Có luật sư là có đối trọng để tránh oan sai, nhưng hoạt động của luật sư cũng phải có điều kiện chứ không phải sống bằng không khí mà đi bào chữa à.
Tôi nhắc lại, tôi không nói luật sư vì tiền mà tôi nói bào chữa cho người có tiền. Tôi không đính chính gì cả. Tôi chịu trách nhiệm về việc đó.
- Không thể phủ nhận trong số luật sư, còn có những đối tượng tham gia bào chữa miễn phí, hay chỉ lấy một khoản phí rất nhỏ.
- Thưc tế, cũng có luật sư người ta không cần tiền, nhưng số đó là ít. Có những luật sư đứng ra bào chữa miễn phí, bởi vì người ta muốn trọng danh dự nhưng hầu như số đó là ít.
Những người trợ giúp pháp lý hoặc luật sư chỉ định (luật sư công) thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ra, một ngày bao nhiêu tiền cho họ để họ nghiên cứu hồ sơ. Cái đó phải rõ như vậy, phải rất rõ và rất sòng phẳng.
Không có tiền lấy đâu ra chi phí dịch vụ, lấy đâu để nuôi bộ máy văn phòng luật sư? Phải hiểu cho nó đúng. Tôi không nói là vì tiền, mà phải có tiền mới có điều kiện thuê được luật sư. Còn một bộ phận nào đó đi chạy án lại khác. Đó là tiêu cực cần lên án. Chạy án, môi giới hối lộ là hành vi phạm tội. Còn tiền dịch vụ là điều kiện hoạt động của luật sư.
- Theo ông, cần có cơ chế giám sát hoạt động luật sư như thế nào để không còn chuyện chạy án?
Thực tế đã có những vụ án khi một số luật sư đứng ra làm môi giới, hối lộ giữa cán bộ tố tụng với bị can, và những vụ việc đó đã bị xử lý rồi. Về gám sát hoạt động luật sư, đây là việc nằm trong hoạt động kiểm soát những người tham gia tố tụng. Nhưng thông thường việc phát hiện này không phải dễ bởi vì luật sư là người am hiểu pháp luật nó khác với người khác. Thế nên phải giám sát chặt chẽ.
Cái gì cũng phải giám sát, nhưng vấn đề là cơ chế giám sát thế nào chứ không phải là cứ nhân danh, cứ tưởng người ta tốt nhưng thực tế không phải, tốt hay không là ở việc làm không phải ở lời nói. Giữa nói và làm là phải có cái tâm, còn cái tâm không trong sáng thì làm nghề gì anh cũng sẽ làm bậy.
- Xin cám ơn ông!