(PL)- “Dự thảo thể hiện tư duy DN chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, trái hẳn với tinh thần DN được làm những gì mà luật không cấm”.
LTS: Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nhiều quy định tại dự thảo này, nhất là về quản lý taxi điện tử, đang khiến dư luận băn khoăn. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
“Dự thảo của Bộ GTVT can thiệp hành chính rất thô bạo vào nghiệp vụ kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Dự thảo thể hiện tư duy DN chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, trái hẳn với tinh thần DN được làm những gì mà luật không cấm” - TS Nguyễn Đình Cung nói với Pháp Luật TP.HCM về dự thảo nghị định kinh doanh vận tải do Bộ GTVT xây dựng.
Nhà nước can thiệp quá nhiều
.Phóng viên: Có nghĩa là nếu dự thảo này thành nghị định, DN sẽ mất quyền tự chủ, tự do kinh doanh nhiều hơn?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Không chỉ thế, nó sẽ đặt DN vào những tình huống đầy rủi ro, cho các cơ quan nhà nước những quyền rất lớn. Nguy cơ lạm quyền để tư lợi là rất cao.
Ngay cái tên “Nghị định về kinh doanh vận tải” đã sai. Luật không giao cho Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh mà thiên về việc đảm bảo an toàn, trật tự trong GTVT, bảo vệ tính mạng tài sản của người dân. Không một nghị định nào có thể hướng dẫn quyền kinh doanh vận tải. Chính vì có chữ “kinh doanh” nên nghị định đó có nguy cơ trái luật.
. Thì những lý do Bộ GTVT đưa ra cũng là để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tính mạng, tài sản… như ông vừa nói.
+ Nhưng tư duy quản lý lại sai. Nếu quản lý vì lợi ích của người tiêu dùng, của khách hàng thì sẽ khác. Tại sao lại có xe dù, bến cóc? Là vì nó thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Sự thuận lợi này nếu dẫn đến mất an ninh trật tự thì Nhà nước với tư cách là người quản lý phải tìm cách tạo thuận lợi nhất cho các nhà xe để họ phục vụ tối đa lợi ích khách hàng. Tại sao cứ phải bắt dân tập trung vào một chỗ chật chội, chen chúc như các bến xe hiện nay? Sao cứ phải dời bến xe ra ngoại thành trong khi lẽ ra bến xe phải nằm ở chỗ thuận lợi nhất cho dân đi lại? Nếu ta không tạo thuận lợi cho hành khách thì vận tải sẽ không hợp pháp nhưng hợp lý.
Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, nhất là về quản lý taxi điện tử, đang khiến dư luận băn khoăn. Ảnh: HTD
. Nhưng các cơ quan vẫn cho rằng cần phải tăng cường quản lý…
+ Một thị trường vận tải đa dạng về nhu cầu thì tốt nhất hãy để DN thực hiện. Nhà nước đang can thiệp theo kiểu cho phép thì mới được làm.
. Dự thảo nói rõ các bến xe có chức năng kiểm tra, kiểm định các hãng xe nhằm đảm bảo an toàn, thưa ông.
+ Bộ GTVT đã kiểm tra rồi còn gì. Các tem kiểm định lúc nào cũng dán ở xe. Lẽ ra Bộ nên nghĩ cách kết nối các xe với các trung tâm kiểm định. Khi nào sắp hết thời hạn kiểm định thì các trung tâm nhắn tin báo cho chủ xe một câu. Kể cả quy định tài xế khám sức khỏe định kỳ cũng có thể làm thế. Khi đó DN sẽ tự nguyện chấp hành vì rất thuận lợi. Đó mới là cách quản lý vì phát triển.
Không ai cấm Nhà nước quản lý cả nhưng nếu giao cho bến xe kiểm tra như trong dự thảo việc đó là sai về thẩm quyền, tính chất. Bến xe không được có chức năng quản lý nhà nước. Hãy để cho bến xe hoạt động như một DN vì chỉ có DN mới tư duy làm ăn hiệu quả được.
Ta tự triệt tiêu ta
. Ở trên ông nói dự thảo tăng quyền cho cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như những điểm nào?
+ Trong dự thảo có tới 18 câu “theo quy định của bộ trưởng Bộ GTVT”. Những thứ này phải bỏ đi vì nó làm cho quy định của Nhà nước kém minh bạch, tùy tiện, hay thay đổi.
Tôi nghĩ người soạn thảo cũng chả biết bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định cái gì vì nếu biết họ sẽ quy định rõ trong đó rồi. Mặt khác, tư duy chung từ trước tới nay là Nhà nước cứ phải can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Phải xem lại những quy định như thế này.
. Dự thảo này có đề cập tới taxi điện tử và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng từng nói phải quản Uber, Grab như quản taxi. Ông có ý kiến gì?
+ Nếu muốn làm vậy, bộ trưởng GTVT phải hiểu taxi và kinh doanh taxi là gì. Nếu bỏ hết những điều kiện kinh doanh taxi hiện nay thì quản Uber, Grab như taxi được. Thử hỏi tổng đài taxi hiện nay để làm gì? Bộ đàm để làm gì? Đó là những thứ tốn chi phí của DN taxi cũ trong khi hiện nay chỉ cần smartphone cũng đã thay thế được rồi.
Taxi dùng bộ đàm thì phải kiểm định, mà phải kiểm định ở trung tâm của Nhà nước mới được! Hay với “mũ, mào” taxi, lẽ ra để cho DN tự quyết thì cũng phải được Nhà nước đồng ý…
. Nhưng phải có mũ, mào taxi như vậy để còn cấm taxi vào những đường hay kẹt xe chứ?
+ Tại sao lại cấm taxi? Đường nào đã cấm ô tô là cấm tất. Tại sao đi xe riêng thì được đi vào đoạn đường đó mà taxi do hành khách thuê lại bị cấm? Những điều kiện kinh doanh đang ràng buộc taxi hiện nay nếu được cởi bỏ thì Uber, Grab và taxi chẳng có gì khác nhau cả. Thế mới tạo ra cạnh tranh công bằng.
Còn nếu áp dụng quy định hiện hành hay quy định tại dự thảo này vào các phương thức kinh doanh mới thì hoàn toàn không phù hợp. Nó sẽ giết chết những phương thức kinh doanh mới. Bi kịch là các phương thức kinh doanh mới sẽ chỉ chết ở Việt Nam chứ không chết ở các nước khác. Hệ quả là ta tự triệt tiêu ta. Những cơ hội phát triển bị triệt tiêu vì những dự thảo như thế này.
. Nếu vậy thì, như nhiều ý kiến đã nói, trong lĩnh vực vận tải, Bộ GTVT sẽ chẳng còn vai trò gì.
+ Đúng, chẳng còn gì cả và cũng chẳng cần phải có vai trò gì. Hệ quả là nếu quyết tâm làm như vậy thì Bộ GTVT có thể nhập vào Bộ Xây dựng. Bởi khi đó vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực vận tải chỉ còn là đảm bảo hạ tầng cho nó phát triển.
. Xin cám ơn ông.
CHÂN LUẬN thực hiện
Nguồn : PLO.VN