(PLO) - Dù đang ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Thị Lan (SN 1997, ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) đã đem lòng yêu một nam thanh niên đang làm thuê ở gần nhà. Bị gia đình ngăn cấm, trong lúc nghĩ quẩn, nữ sinh lớp 12 này đã nhảy sông Hồng tự tử, để lại đằng sau bao ước mơ còn dang dở...
Xác chết dưới chân cầu
Ngày 15/4/2015, Công an huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đã bàn giao thi thể nữ sinh Nguyễn Thị Lan cho gia đình lo mai táng. Trước đó, khoảng 19h ngày 14/4/2015, một người dân đang đánh cá dưới chân cầu Yên Lệnh (thuộc địa phận xã Mộc Bắc) thì phát hiện thi thể một cô gái trẻ đang trong tình trạng phân hủy nên đã báo cho cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt khám nghiệm hiện trường. Tiến hành trục vớt thi thể, mọi người phát hiện trên người cô gái trẻ có một chiếc điện thoại nên đã tháo SIM để tìm số rồi báo cho gia đình nạn nhân. Ngay trong đêm, người thân cô gái đã xuống nhận diện thi thể và làm các thủ tục đưa về gia đình mai táng.
Trước đó, vào chiều 7/4/2015, Lan có đến nhà một bạn nữ học cùng lớp chơi. Chơi được một lúc, Lan nhắn với người bạn rằng: “Mày đợi tao, nếu nửa tiếng nữa tao không về thì mày báo bố mẹ tao” và đi ra ngoài. Sau khi không thấy bạn quay trở lại, linh tính có chuyện chẳng lành nên người bạn đã gọi điện về báo cho gia đình Lan biết chuyện. Sau gần một tuần nỗ lực tìm kiếm, gia đình vẫn không có bất cứ tin tức gì về Lan cho đến tối 14/4 thì nhận được hung tin.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lan bắt nguồn từ việc gia đình ngăn cấm chuyện tình cảm của cô gái. Theo chia sẻ của gia đình nạn nhân, do nữ sinh này yêu sớm nên đã bị gia đình ngăn cấm. Ngoài ra, theo xác minh của cơ quan công an, trước khi tìm đến cái chết, Lan có nhắn tin cho người yêu bảo: “Em chết đây”. Người bạn trai còn nhắn lại: “Em đừng chết, chờ anh với”.
Ước mơ dở dang của “cô giáo tương lai”
Ngôi nhà nơi nạn nhân sinh sống
Theo tìm hiểu, Lan là con đầu trong gia đình có hai chị em gái và hiện đang là học sinh lớp 12 một trường THPT ở gần nhà. Hàng ngày, ngoài lúc đến trường, Lan vẫn thường phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Ở địa phương, nữ sinh này có tiếng là một học sinh chịu khó và có học lực khá. Chính vì thế, sự ra đi đột ngột của Lan khiến người thân, hàng xóm và bạn bè không khỏi ngỡ ngàng.
Người thân cho biết, tính nết của Lan khá hòa đồng, luôn được bạn bè thầy cô quý mến. Đặc biệt, Lan là một người sống rất tình cảm. Chỉ có điều nhiều lúc Lan tỏ ra trầm tính, ít nói. “Năm nay là cuối cấp nên cháu Lan vừa đi học chính khóa vừa đi học thêm. Có lần nó tâm sự rằng sau này nó muốn làm cô giáo, đi làm để đỡ đần bố mẹ. Thế mà bây giờ cháu nó xảy ra chuyện như thế này....”, bà nội của Lan xúc động nói.
Trao đổi về vụ việc trên, ông Phạm Ngọc Ánh (Phó trưởng Công an xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) cho biết: “Ngày 13/4, gia đình cháu Lan có đến trình báo việc cháu bị mất tích và nhờ phía công an giúp đỡ. Bố cháu cũng kể rằng trước ngày cháu mất tích, bố mẹ cháu đã không đồng ý chuyện cháu Lan có tình cảm yêu đương nam nữ. Theo tôi được biết thì gia đình xin không khám nghiệm tử thi và đã đưa thi thể cháu về nhà mai táng vào sáng ngày 15/4”.
Đừng để các em bị “sốc tâm lý”
Qua sự việc trên có thể thấy rằng, hiện nay câu chuyện yêu đương trong giới trẻ (đặc biệt khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường) cần phải được gia đình, các cấp, các ngành quan tâm sát sao hơn nữa. Để xảy ra việc trên cũng phải thừa nhận rằng, trong đó có một phần lỗi từ phía gia đình nạn nhân.
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Thị Loan (Phó Trưởng khoa Giáo dục -Học viện Quản lý giáo dục) bày tỏ quan điểm: “Tình yêu là một tình cảm tự nhiên, đến một lúc nào đó nó đến một cách tự nhiên giống như cơm ăn, áo mặc, nước uống của mỗi người. Tình yêu giúp con người thỏa mãn những nhu cầu đặc biệt về đời sống tình cảm, đời sống giới tính, nó làm cho con người trở nên đẹp hơn, khỏe hơn, vui tươi... Nhưng nếu không được thỏa mãn tình yêu có thể làm cho con người đau khổ, chán nản, tuyệt vọng, mất hết sức sống, thậm chí muốn tìm đến cái chết để giải thoát”.
Cũng theo ý kiến của Thạc sĩ Loan: “Ở lứa tuổi đầu thanh niên (khoảng 15 đến 18 tuổi) là lứa tuổi chưa trưởng thành về mặt xã hội, nên tình yêu lứa tuổi này thường mang đậm màu sắc cảm tính. Tuy nhiên, các em đang ở lứa tuổi còn phải lo chuyện học hành và còn thiếu rất nhiều thứ để tính tới chuyện xây dựng gia đình (công việc, kinh tế, sự chín chắn trong suy nghĩ, hành động...).
Vì những lý do trên, nếu các em tính đến chuyện yêu đương lấy vợ, lấy chồng chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ các bậc cha mẹ. Sở dĩ các bậc phụ huynh ngăn cấm cũng vì thương con, lo ngại việc yêu đương sẽ ảnh hưởng đến học hành của con. Trước hoàn cảnh đó, thường các em dễ bị “sốc tâm lý” và nảy sinh cảm xúc tiêu cực: Dễ trở nên bi quan, chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống, rất dễ dẫn đến những hành động dại dột, thiếu lý trí, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Từ vụ việc đáng tiếc trên, Thạc sĩ Loan đưa ra khuyến cáo: Đối với bậc phụ huynh cần quan tâm đến đời sống tình cảm riêng tư của con, bằng cách khéo léo gợi ý hỏi han về những bạn bè của con, để từ đó có những định hướng khuyên giải cần thiết. Tuyệt đối không nên dùng quyền làm cha, làm mẹ mà cấm đoán tình cảm yêu đương của con cái, điều đó thường không mang lại kết quả như mong muốn mà thường đem lại hậu quả nặng nề.
Ngoài ra, đối với trường học và các cơ sở giáo dục cần quan tâm đến mọi mặt trong đời sống tâm lý học sinh: Tổ chức các câu lạc bộ bạn trai, bạn gái, quan tâm đến giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Và hơn hết mỗi thầy cô giáo cần là một người bạn lớn của các em học sinh, để các em có thể thoải mái chia sẻ những băn khoăn vướng mắc trong học tập, rèn luyện và cuộc sống để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên.
(Tên nạn nhân đã thay đổi)./.
Trích nguồn:http://baophapluat.vn