1 Đây là câu chuyện tôi được chứng kiến, và thời gian trước đây, thường đi cùng cô bạn để lo giấy tờ đi công chứng. Mọi chuyện tưởng như không thể, mà cuối cùng lại thành công. Vậy mới biết, cuộc đời vẫn cần niềm tin thì mới “chạy” được, cho dù, đúng là thời buổi hiện nay, sự nghi kỵ nhau mới là tính cách phổ biến.
Phương tới mua nhà của Hoa với sự dẫn dắt của cò đất. Nhà Hoa nằm trong khu dân cư quy hoạch của dự án phía Tây Sài Gòn, diện tích rộng và vị trí đẹp. Dù có ý định bán nhà từ lâu, để chuyển ra chỗ ở phù hợp hơn với hoàn cảnh gia đình, nhưng gặp thời bán nhà khó khăn, nên rất ít khách có nhu cầu thiện chí. Họ chỉ tới coi qua loa, rồi ra về không ngày hẹn gặp lại.
Cho tới một ngày Phương được môi giới dắt tới coi. Nhà Phương cũng ở gần đó, vì quá thích căn nhà nên cô đồng ý mua ngay. Nhưng cô lại… không có sẵn tiền, dù tài sản cố định và thu nhập cá nhân lên tới gần 200 triệu đồng/tháng. Vậy là Phương quyết mua nhà bằng tiền vay ngân hàng.
Căn nhà có giá 8 tỷ đồng, nhưng Phương chỉ được vay 5 tỷ đồng và phải thế chấp cho ngân hàng bằng chính căn nhà sẽ mua của Hoa. Số tiền còn lại, 3 tỷ đồng, Phương sẽ trả cho Hoa sau 2 tháng nữa, khi cô bán được miếng đất có giá 12 tỷ đồng ở Bình Chánh. Phương viết cam kết, sẽ để Hoa vẫn ở lại trong căn nhà đã bán, đến khi trả hết số tiền.
Ban đầu, khi Hoa kể chuyện, tất cả bạn bè và người thân đều phản đối. Hoa cũng dao động, không muốn bán nhà nữa. Nhưng rồi vì sự thuận tiện của việc cá nhân, cô cũng phải đi mua nhà mới và sửa chữa.
Thời gian đó, chuyển nhà tới lui để thuê ở thì cũng rất khó khăn nếu như Phương trả hết tiền một lần như bao giao dịch khác. Vả lại, tiếp xúc một thời gian, Hoa nhận thấy Phương rất thiệt tình, làm việc trong một cơ quan công quyền, khả năng tài chính đúng như miêu tả, thì Hoa mềm lòng. Cô kể với tôi, số phận của căn nhà có thể sẽ phải vất vả như chủ nó. Vì vậy, đời “xô đẩy” thế nào, cô đều chấp nhận như thế.
Vậy là hai người phụ nữ này đưa nhau ra công chứng làm Hợp đồng mua bán nhà. Anh công chứng viên khi nghe chuyện, thì hiểu ngay. Dường như anh đã từng thấy những câu chuyện như thế đã xảy ra, nên chỉ dẫn tận tình.
Trong Hợp đồng mua bán, vì phải ghi đã trả số tiền nợ 3 tỷ đồng còn lại thì ngân hàng mới giải ngân 5 tỷ đồng, nên Hoa cũng không biết sao, đành tặc lưỡi. Công chứng viên nói, bên mua cần viết cam kết miêu tả đúng sự việc như vậy, gắn cam kết còn thiếu tiền với việc mua nhà, thì sẽ đủ chứng cớ pháp lý để cãi nhau ở tòa, nếu như sau này bên mua không trả tiền đủ cho bên bán.
Mọi người ra về, công chứng mua bán đã hoàn tất. Tôi lo cho Hoa, nhưng cũng không biết tính sao. 5 ngày sau, ngân hàng gọi tới, làm thủ tục nhận tiền. Hoa mua căn nhà khác, sửa chữa theo ý của cô, nhưng vẫn ở căn nhà đã bán cho Phương. Y hẹn, 2 tháng sau, Phương mang số tiền còn thiếu tới trả nốt.
Cô thậm chí còn để Hoa ở thêm 15 ngày nữa để chuyển nhà đi cho đỡ cập rập. Khi nghe Hoa thông báo mọi việc, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Hóa ra, vẫn còn có nhiều người tốt và giữ chữ tín trên đời này. Sự may mắn của Hoa, là đã trao niềm tin đúng người.
2 Có những căn nhà trong các khu dự án, xây và ở khá lâu rồi, mà chưa có chủ quyền nhà. Chủ nhà về ở tới cả vài năm, thậm chí bán đi rồi, cũng vẫn không thể giao sổ hồng cho người mua mới. Người ta cứ sống như thế, chờ đợi mà không ai có thể trả lời rằng: khi nào có được tờ giấy màu hồng công nhận quyền sử dụng nhà và đất ở.
Nhưng chẳng vì thế, mà mọi sự giao dịch đình trệ. Ai mua cứ mua, ai bán cứ bán. Người trước đẩy khó khăn cho người sau. Và tất nhiên, mọi sự giao dịch ấy, đều dựa vào niềm tin. Nếu không tin vào dự án ấy, thì biết làm sao đây. Bức tranh về mua bán bất động sản loang lổ rõ nét, có nhiều khoảng tối xen lẫn trong khoảng sáng. Thôi thì đành chấp nhận, như biết bao nhiêu việc còn rất chưa minh bạch trên đời này.
Chính thế, những câu chuyện bán nhà “không giống ai” lại trở thành sự bình thường, ít ra đối với những người được chứng kiến nhiều, như anh công chứng viên dễ thương kia.