(PLO) -Cận Tết Nguyên đán, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu cũng diễn biến phức tạp. Hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Tuy nhiên, không vì thế mà thế trận chống hàng lậu bớt nóng…
Mứt tết “3 không”
Thời điểm cuối năm, các làng nghề của Hà Nội, đặc biệt là ở các vùng chế biến nông sản, thực phẩm, bánh mứt kẹo ngoại thành đều đang trong trạng thái “tăng tốc” để kịp mùa vụ. Khu vực huyện Hoài Đức cũng vậy, nơi đây đang bước vào mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh phục vụ tết. Dù chỉ là điểm trung chuyển, không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm nhưng làng bánh kẹo La Phù lại tấp nập hơn cả.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên (PV), mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe ô tô từ các tỉnh, thành trong cả nước nhộn nhịp về đây nhập hàng. Ngoài các mặt hàng chủ lực, xuất đi mạnh như bia, rượu, nước ngọt… không ít các đại lý nhỏ cũng đẩy mạnh nhập các mặt hàng “ăn nhanh” và dễ đẩy giá lên gấp 2, 3 lần như: hạt hướng dương có giá 34.000 – 39.000 đồng/kg; hạt bí 110.000 – 135.000 đồng/kg; nho khô xanh giá 635.000 đồng/kg…
Theo tìm hiểu, loại mặt hàng này đa phần được các điểm tiêu thụ nhỏ khá ưa chuộng bởi khả năng tiêu thụ nhanh, chiết khấu lấy tận “gốc” ở La Phù lại thường được giảm 30%. Thế nhưng, khi đặt câu hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng, các tiểu thương, chủ đại lý ở La Phù đa phần đều úp mở, mập mờ về nguồn hàng.
Ảnh minh hoạ từ Internet
Việc nguồn hàng mập mờ gốc gác, xuất xứ không chỉ riêng La Phù mới có. Sau khi PV dạo quanh các khu chợ cóc, chợ tạm quy mô nhỏ thuộc khu vực nội thành như: Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), Phùng Khắc Khoan (Hai Bà Trưng)... đều nhận thấy các loại bánh kẹo, mứt tết, hạt dưa, hạt bí đều thuộc tình trạng “3 không” - không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng. Đáng nói, chúng đều được đóng gói và bán theo cân một cách công khai, tràn lan.
Nhiều mặt hàng lọt “tầm ngắm”
Nhắm vào những “điểm nóng” tồn tại nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ này, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý kịp thời không ít trường hợp. Thế nhưng, theo chia sẻ của các đơn vị Quản lý thị trường (QLTT) thì số vụ việc phát hiện tại các “điểm nóng” này vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm.
Đơn cử, tháng 12/2014 phối hợp với cơ quan công an, Đội QLTT số 2 đã phát hiện và thu giữ gần 20 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, đang tập kết tại phố Cầu Gỗ, phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Hàng hoá thu giữ gồm 49 bao tải dứa chứa quần áo, giày dép các loại và 11 thùng các tông chứa đồ chơi trẻ em, đều do Trung Quốc sản xuất. Mới đây nhất ngày 16/1, đơn vị này đã bắt ba lô hàng lậu, hàng cấm, trong đó có nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở khu vực phường Đồng Xuân.
Theo ông Vương Chí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm, phía Chi cục QLTT đã kiểm tra 9.336 vụ, xử lý 8.811 vụ với tổng số tiền hơn 90,75 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 37,28 tỷ đồng; tổng giá trị hàng tịch thu sung công, buộc tiêu hủy hơn 53,46 tỷ đồng.
Cùng với đó, trong dịp cận Tết Nguyên đán này, nhiều loại mặt hàng sẽ được QLTT đưa vào “tầm ngắm” kiểm tra gắt gao như: bia, rượu, nước giải khát, thực phẩm, đồ chơi, quần áo, thực phẩm chức năng; các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh phụ gia, chất bảo quản… “Hiện lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 4 đoàn điểm tra, trong đó có 2 đoàn kiểm tra các bến bãi, địa điểm tập kết; 2 đoàn kiểm tra các địa điểm kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết” – Lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.
Dù đại diện phía đơn vị QLTT khẳng định là vậy, thế nhưng trên thực tế, các loại hàng hóa tiêu dùng nhập lậu đổ về Hà Nội lại đang có chiều hướng gia tăng. Hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu thường được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
“Để có thể khám phá ra hàng loạt vụ việc hàng nhập lậu, lực lượng QLTT chúng tôi đã phải tốn khá nhiều công sức, anh em thay nhau mật phục suốt nhiều ngày mới có thể hoàn thành nhiệm vụ” – một thành viên trong Đội QLTT số 4 chia sẻ.
Khách quan nhìn nhận, không ít tiểu thương vì tham chút lợi nhỏ đã sử dụng phương thức đánh tráo hàng giả, hàng kém chất lượng xen lẫn với hàng thật. Chính vì lẽ đó đã gián tiếp tạo ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Trong khi đó, nhân lực, trang thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm soát để nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng của đơn vị QLTT còn thiếu thốn. Bởi vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của đơn vị QLTT cũng gián tiếp bị ảnh hưởng.
Trong năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với giá trị 191,7 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 4.115 vụ (tương ứng tăng 32,4%); giá trị hàng vi phạm giảm 31,7 tỷ đồng (14,2%). Trước vấn nạn hàng lậu, hàng giả nhộn nhịp ngày cận tết, ngoài nỗ lực ngăn chặn của lực lượng chức năng, trên hết người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao ý thức trong việc tố giác, cung cấp thông tin về hành vi buôn lậu, vận chuyển, sản xuất hàng giả. Có như vậy, “phần gốc” của vấn đề xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng mới được giải quyết triệt để.