Thiếu tướng Lê Phi Long (bên phải) cùng vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp, thường được yêu mến gọi là "anh Văn". Ảnh gia đình tướng Lê Phi Long cung cấp.
(PLO) - Một Chủ nhiệm hướng Tây Nguyên chịu trách nhiệm tham mưu tấn công giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và duyên hải Trung bộ, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Một thiếu tướng quân đội được cấp thẻ đỏ “Toàn quyền”, có quyền huy động toàn bộ nguồn lực và tài nguyên trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ cho chiến đấu.
Ông cũng là một người đồng đội, “học trò” tin cẩn của “anh Văn”…, Thiếu tướng Lê Phi Long – người anh hùng ẩn diện – vẫn còn quá nhiều điều chưa được biết đến để các thế hệ sau khám phá.
Thiếu Tướng Lê Phi Long đồng ý gặp nhóm phóng viên chúng tôi vào một ngày mùa xuân sát lễ kỷ niệm Thống nhất đất nước 30/4 tại căn nhà đơn sơ của mình kế bên Quân Khu 7, Tp.HCM.
Tướng Long xuất hiện khác hoàn toàn hình dung của chúng tôi về một vị tướng anh dũng từng chỉ huy ba quân tấn công giải phóng từ Tây Nguyên, miền Trung vào đến Sài Gòn. Ông rất giản dị, thân thiện và dễ gần. Dù sống ngót ¾ cuộc đời mình xa quê hương, nhưng ông vẫn giữ nguyên chất giọng Hà Tĩnh hiền lành, chất phác như thuở thiếu thời.
Ở tuổi 88, đã qua 2 lần bị tai biến mạch máu não, Thiếu Tướng Lê Phi Long vẫn nhớ như in chặng đường đã qua của mình mà kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà ít phóng viên nào được biết.
Từ ông “Tây con” đến chỉ huy lực lượng cách mạng tự phát
Gần 70 năm sau ngày cả nước vùng lên đánh Pháp lập chính quyền vào mùa thu 1945, và cũng đã 40 năm sau ngày thống nhất đất nước 30/04/1975, trong tâm thức nhiều người, những người theo cách mạng đa phần vẫn là từ tầng lớp công nông nghèo khổ, đứng lên đòi sự tự do, bình đẳng, công bằng. Nhưng vẫn có những người từ tầng lớp giàu có, Tây học, vì thương xót đồng bào mình bị ức hiếp bóc lột mà đứng lên đấu tranh. Lê Phi Long là một chàng trai như thế.
Cậu bé Phi Long sinh năm 1928 tại Can Lộc, Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức khá giả. Từ bé, Long đã bộc lộ trí thông minh hơn người. Từ năm 11 tuổi, Phi Long được nhận học bổng nội trú toàn phần tại trường Lycée Khải Định (nay là trường Quốc Học – Huế), bắt đầu rời xa gia đình.
Vào thời điểm ấy, trường Khải Định là một trong số ít những trường điểm Quốc Gia dành riêng cho con cháu các quan chức Pháp và quan lại từ tam phẩm trở lên của triều đình nhà Nguyễn. Từ Đệ Thất cấp (lớp 6) cho đến Đệ Nhất cấp (lớp 12), học trò Khải Định phải học hoàn toàn bằng Pháp Văn, Việt Văn chỉ được dạy thêm như một sinh ngữ phụ, do đó, người dân khắp kinh thành Huế gọi các lứa học trò Khải Định là bọn “Tây con”, nói tiếng Tây còn sõi hơn tiếng mẹ đẻ.
Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám lan khắp các tỉnh từ Trung ra Bắc. Triều đình Huế rung chuyển, vua quan tháo chạy tán loạn. Người dân Huế đã khổ sở nhiều năm, nay lại càng hoang mang, hoảng loạn. Chế độ phong kiến tan rã, Huế như rắn mất đầu.
Rồi Pháp đưa quân trở lại Việt Nam, Huế nằm trong vùng chiếm đóng, sát các tỉnh giao tranh ở Bắc Trung Bộ. Khác với hồi Trung Kỳ còn chịu sự bảo hộ, Pháp còn nể nang nhà Nguyễn mà cấp cho vua quan một chút quyền điều hành, lần này trở lại, Pháp áp dụng triệt để thiết quân luật lên xứ Huế, vơ vét tài nguyên phục vụ chiến tranh. Dân chúng đã nghèo khổ lại còn thêm lầm than.
Sau năm 1954, người Pháp đã chấm dứt ách đô hộ gần 100 năm ở Việt Nam sau hàng loạt cuộc chiến đấu với đội quân du kích Việt Minh. |
Đội dân quân tiến hành nhiều vụ đột kích, tấn công xe chở lương thảo, nhu yếu phẩm của Pháp di chuyển qua đèo Hải Vân, thậm chí có đôi lần còn chặn và phá hư đường sắt, không cho giặc đi tiếp ra chiến trường.
Đội quân càng đánh, lòng người càng lên cao, trai tráng trong khu vực càng tham gia đông đảo. Cán bộ Việt Minh trong khu vực coi đây là một nguồn lực quan trọng trong đấu tranh giải phóng miền trung nên chính thức mời Long và các đồng chí tham gia Việt Minh, đấu tranh công khai, có tổ chức.
Cứ thế, năm 1947, chàng thanh niên Lê Phi Long kết nạp Đảng, bắt đầu con người binh nghiệp chông gai.
Vị sỹ quan ngoại giao bất đắc dĩ tuổi 26
Thông minh, lại được học hành bài bản, Phi Long nhanh chóng trở thành một nhân tài được đặc biệt trọng dụng khi tuổi đời vừa chỉ đôi mươi. Anh công tác tại Quân khu 4 với cương vị trực tiếp bảo vệ Ban Lãnh đạo Khu ủy, trong đó có cả cụ Hồ Tùng Mậu. Sau đó, anh được bổ nhiệm làm cán bộ quân vụ, nhưng chán cảnh đi sớm về trưa làm công việc văn phòng, anh xin vào chiến trường Bình Trị Thiên.
Anh gặp ý trung nhân của mình một ngày mùa hè năm 1951 trong một lần về quê thăm nhà. Đó là một cô gái dễ thương, nết na tên Phước, con của một danh sỹ từng 2 lần đỗ tú tài dưới triều nhà Nguyễn. Hai người chỉ gặp gỡ được ít lâu thì cuối năm 1951, anh nhận chỉ thị từ Hà Nội cử đi tập huấn về quân sự tại Côn Minh, Trung Quốc trong hơn 1 năm.
Tháng 5/1953, sau trận Nà Sản, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bắt tay vào chuẩn bị lực lượng, phương tiện và phương pháp tấn công Pháp tại miền Bắc. Lúc bấy giờ cụm từ “Điện Biên Phủ” vẫn chưa xuất hiện, nhưng theo dự tính của Đại tướng, cách đối phó cuối cùng của địch chỉ có thể là xây dựng một tập đoàn cứ điểm tại nơi có địa hình hiểm trở để làm bàn đạp tấn công các chiến khu của ta. Và nếu có một nơi có thể thỏa mãn những điều kiện khắt khe trên thì đó chỉ có thể là Điện Biên.
Vì thế, Đại tướng ngay lập tức thành lập một tổ nghiên cứu 24 người nằm trong rừng lim khu căn cứ Định Hóa để chuẩn bị lý luận và chiến lược tấn công tập đoàn cứ điểm. Cậu sỹ quan trẻ Lê Phi Long, sau thời gian du học, đã được đích thân Tướng Giáp tuyển chọn để tham gia tổ nghiên cứu ấy.
Sau nhiều tháng nghiên cứu và đánh thử trong môi trường hoàn toàn tương đồng với địa hình Điện Biên, tổ kết luận: Đánh nhanh thắng nhanh theo lối du kích thường thấy chính là tự sát. Với Điện Biên Phủ, đánh chậm, thắng chắc, vây hãm địch, cắt đường tiếp tế, làm suy yếu sỹ khí địch thì mới có khả năng chiến thắng. Lê Phi Long được điều động tham gia quá trình chuẩn bị khổng lồ, chuẩn bị đánh Điện Biên.
Thiếu tướng Lê Phi Long, người giữ chiếc "thẻ đỏ" bí mật có quyền huy động toàn bộ binh lực trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975. |
Đám cưới đơn giản, cả 2 gia đình vì chiến tranh mà trở nên nghèo khó, đến chăn màn chiếu gối cũng phải mượn cả của chị dâu. Cưới xong, anh phải lên đường ngay trở về Việt Bắc, chuẩn bị cho trận đánh lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ thành công vang dội. Theo đúng Hiệp định Genève, quân ta tiến vào tiếp quản Hà Nội từ tay Pháp. Việc tiếp quản này đòi hỏi phải tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn với phía Pháp và đồng minh. Nhưng quân ta có mấy ai giỏi tiếng Pháp để luận bàn đây?
Tướng Long hồi tưởng lại: “Khi ấy tôi mới 26 tuổi. Một hôm, thủ trưởng gọi tôi lên và đề cử tôi làm Đặc phái viên đi nhận bàn giao từ Pháp. Tôi hết hồn từ chối. Tôi đã làm việc này bao giờ đâu. Giờ thủ trưởng giao tôi việc như vậy, tôi biết làm gì? Thủ trưởng chỉ ôn tồn nói với tôi mấy lời: Nguyên tắc bên mình thì vẫn phải giữ vững và chặt chẽ, còn thái độ thì cần mềm mỏng. Có vậy thôi”.
Với phong thái của một học sinh trường Tây, lại hiểu biết rất nhiều sau khi đi du học Trung Quốc và tham gia tổ nghiên cứu quân sự, cậu sỹ quan trẻ Lê Phi Long làm cho binh tướng nước Pháp thấy hình ảnh một sỹ quan quân Giải phóng đĩnh đạc, mực thước, tuy “rắn” nhưng vẫn rất “mềm”, không thua bất cứ sỹ quan nào được đào tạo bài bản tại Châu Âu.
Cuộc chuyển giao diễn ra rất thuận lợi và nhanh chóng, Long đón vợ từ quê lên làm mậu dịch viên ở Sơn Tây, Hà Tây, trong khi anh bắt đầu công tác tại Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng trong trung tâm thủ đô.
(Còn nữa)