Một Thừa phát lại đang tiến hành lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà theo yêu cầu của người dân
(PLO) - Đó là nhận định của ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự (THADS), Chính phủ đã được giao quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) tại một số địa phương.
Theo đó, TPL là người có đủ các tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về THADS, bao gồm: xác minh điều kiện thi hành án (THA) và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự; tống đạt giấy tờ của Toà án và của cơ quan THADS cho đương sự; lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác) và làm các công việc khác theo quy định của pháp luật có liên quan. TPL hành nghề thông qua hình thức Văn phòng TPL.
Với việc giao cho TPL thực hiện 3 nhiệm vụ chính mang tính truyền thống của TPL như trên, mô hình TPL là một thiết chế nghề nghiệp độc lập, vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp (hỗ trợ Tòa án trong việc tống đạt giấy tờ, lập vi bằng có giá trị chứng cứ trước tòa) vừa thực hiện các công việc về THADS theo nhu cầu của cá nhân, tổ chức đúng theo tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, THA của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp.
Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội
Với ý nghĩa quan trọng như vậy của chế định TPL đối với mục tiêu xã hội hóa một số việc có liên quan đến công tác THADS, theo ông Phan Hồng Sơn, các Văn phòng TPL phải xem hiệu quả việc xác minh điều kiện THA, tổ chức THA là chính, chứ không phải trọng tâm vào lập vi bằng, tống đạt văn bản như hiện nay. Để làm được điều này, ông Phan Hồng Sơn đề xuất giải pháp giao chỉ tiêu cụ thể cho các Văn phòng TPL. Theo đó, ông Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo thí điểm chế định TPL “tính bình quân theo thời gian, giao cho mỗi văn phòng trong một tháng hoặc một quý phải thực hiện được một số lượng tối thiểu là bao nhiêu vụ xác minh điều kiện THA, bao nhiêu vụ tổ chức THA, tống đạt được bao nhiêu văn bản”. Có như thế mới nâng cao được tránh nhiệm của các Văn phòng TPL cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong việc triển khai thí điểm chế định này.