Một buổi cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa
(PLO) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) được trình ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII mới đây quy định người được thi hành án (THA) phải có đơn yêu cầu THA. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không nên có quy định này mà chỉ khi nào người được THA từ chối quyền lợi của mình thì họ mới cần phải có đơn.
Muốn thi hành án, phải có đơn
Luật THADS hiện hành quy định người được THA, người phải THA căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức THA. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được THA, người phải THA có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền ra quyết định THA.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Luật THADS cũng quy định rõ các yêu cầu trong đơn THA cũng như thủ tục gửi, nhận đơn, từ chối đơn...
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS trình Quốc hội vừa qua, quy định một trong các quyền của người được THA là: “Yêu cầu Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành; yêu cầu cơ quan THADS hoặc tổ chức có thẩm quyền ra quyết định THA và tổ chức việc THA”.
Dự thảo Luật cũng quy định: “Người yêu cầu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu THA bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện... Ngày gửi đơn yêu cầu được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi”. Các yêu cầu về nội dung THA cũng được quy định rõ trong Dự thảo Luật.
Ngoài ra, Dự thảo còn nêu rõ: Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói tại Tòa án, cơ quan THADS thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung theo quy định. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu. Khi nhận đơn, Tòa án, cơ quan THADS phải kiểm tra nội dung đơn và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận đơn và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn và các trường hợp Tòa án, cơ quan THADS từ chối nhận đơn.
Chỉ khi nào từ chối quyền lợi mới phải có đơn?
Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), không nên quy định người THA phải làm đơn yêu cầu. Vì nhiều người dân không biết, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa kiến thức pháp luật hạn chế, họ không hiểu muốn thi hành phải có đơn.
Bà Khá ví dụ cụ thể, một vụ ly hôn thì người THA có quyền yêu cầu không THA. Có thể họ đã thỏa thuận được với nhau về tài sản. Vì vậy, luật làm sao phải tạo điều kiện cho mọi công dân được pháp luật bảo vệ, không phân biệt thành thị hay nông thôn.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng đồng tình: “Nên bỏ quy định người được THA phải có đơn yêu cầu THA để bảo đảm thuận lợi cho người dân”. ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) chung nhận định: “Buộc người phải THA có đơn yêu cầu là khó khăn cho dân, vì trong nhiều trường hợp họ là bị hại, đã ở thế yếu rồi lại còn phải có đơn, trong đơn lại phải có thông tin về tài sản thì rất khó khăn. Hay trong các vụ kiện dân sự, nhiều người già yếu, người nghèo không có tiền... do vậy phải có đơn là không nên”. Ông Thành cũng tán thành cao việc giao xác minh điều kiện THA về cho chấp hành viên thay vì đương sự như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, cũng còn nhiều ý kiến đề nghị cho giữ quy định về THA theo đơn yêu cầu như quy định hiện hành, nhằm phù hợp với tính chất hoạt động THADS, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự.
Thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhất là bảo đảm thi hành quy định tại Điều 106 của Hiến pháp là: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”; đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm sự bình đẳng giữa quyền và lợi ích của Nhà nước và của công dân.
Do đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định THA (khoản thi hành cho công dân) theo hướng: Tòa án (hoặc Cơ quan THADS) phải ra quyết định THA đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được THA phải có đơn yêu cầu THA. Trường hợp người được THA có đơn đề nghị không THA, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan THADS lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ THA.
Trích Nguồn: http://baophapluat.vn