Mỹ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đắp tại các bãi đá ở Trường Sa

Mỹ lo ngại Trung Quốc ồ ạt xây đắp tại các bãi đá ở Trường Sa

(Tin Nóng) Việc Trung Quốc ồ ạt đổ đất xây đảo nhân tạo tại các bãi đá chiếm trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa khiến các quan chức Mỹ lo ngại và cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng quyết liệt hơn ở khu vực này ngay cả khi Mỹ gia tăng lực lượng ở tây Thái Bình Dương.

Ảnh chụp ngày 12.12.2014 của Không quân Philippines cho thấy đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập gần như đã hoàn tất

Báo Los Angeles Times ngày 28.1 có bài viết về vấn đề này, khi cho hay Trung Quốc đã đổ đất tại Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam, làm xong đảo nhân tạo dài hơn 3 km. Các quan chức Mỹ cho rằng đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập đủ lớn để xây một đường băng phục vụ cho các máy bay quân sự. Các ảnh vệ tinh cũng cho thấy một cảng nhỏ đang được xây dựng tại đây.

Mỹ lo ngại việc xây đắp này cho thấy Trung Quốc muốn thiết lập sự kiểm soát thực tế ở quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh.

Trong chuyến thăm 3 ngày ở Ấn Độ mới đây, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ đã ra thông cáo chung kêu gọi đảm bảo an toàn và tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên Biển Đông, và kêu gọi các bên tranh chấp tránh sử dụng vũ lực.

Các quan chức Nhà Trắng mô tả chuyến thăm của Tổng thống Obama là một cách nhấn mạnh nỗ lực của ông trong việc tập trung quân sự và các nguồn lực khác vào châu Á và vùng Tây Thái Bình Dương, một chiến lược xoay trục để đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã đưa nhiều tàu chiến và binh sĩ tới khu vực này và đã gia tăng quan hệ quân sự gần gũi hơn với một số nước láng giềng của Trung Quốc.

Theo Los Angeles Times, một đường băng quân sự và một cảng ở Đá Chữ Thập, nằm ở rìa phía tây của quần đảo Trường Sa, rõ ràng sẽ mở rộng khả năng hoạt động của Trung Quốc trong một khu vực được coi là một mồi lửa tiềm năng.

Việc cải tạo đất cũng đang được Trung Quốc tiến hành rầm rộ tiến hành tại các bãi Đá Gạc Ma, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất.

"Trung Quốc dường như đang mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự - bao gồm radar, thiết bị thông tin vệ tinh, bố trí súng phòng không và pháo bờ biển, sân đỗ trực thăng và bến tàu - trên một số hòn đảo nhân tạo", theo một báo cáo vào tháng 12.2014 của Uỷ ban giám sát an ninh - kinh tế Mỹ - Trung Quốc (do Quốc hội Mỹ thành lập).

Trung Quốc khăng khăng nói rằng các dự án cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa “là một vấn đề nội bộ” đang diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc (?), và mới đây còn cho rằng họ cần một căn cứ tại Biển Đông để hỗ trợ radar và thu thập thông tin tình báo. Trung Quốc cũng đã từ chối yêu cầu của các nước trong khu vực về việc đưa tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ra trọng tài quốc tế để giải quyết.

Nhà Trắng tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, kêu gọi tạm dừng các hoạt động khiêu khích. Nhưng chính quyền Obama đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh yêu cầu đẩy lùi bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trú ở khu vực tranh chấp.

Trong tuần qua, các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc giục Trung Quốc dừng các dự án xây dựng đảo. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc làm rõ ý định cải tạo đất của họ và chấm dứt các hoạt động cải tạo đảo quy mô lớn, để nhận ra họ đang gây gia tăng căng thẳng trong khu vực như thế nào, và theo đuổi các giải pháp ngoại giao thay thế", trung tá Jeffrey Pool, phát ngôn viên Lầu Năm Góc phát biểu.

Còn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, ông Daniel R. Russel thì nói thẳng tại một cuộc họp báo ngày 21.1 ở Manila, Philippines rằng "Họ (Trung Quốc) đang cải tạo đất ở các bãi ngầm và bãi đá ở các khu vực nhạy cảm, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền".

Hình ảnh Đá Chữ Thập đang được Trung Quốc ồ ạt đổ đất cải tạo, cuối tháng 2.2014

Đến 14.11.2014, ảnh vệ tinh của Airbus Defence & Space cho thấy Đá Chữ Thập đã gần trở thành đảo nhân tạo

Ảnh chụp ngày 12.12.2014 của Không quân Philippines cho thấy đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập gần như đã hoàn tất. Trong ảnh là khu vực xây cảng

Ảnh vệ tinh này chụp ngày 22.1.2015 cho thấy đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập đã hoàn tất - Ảnh từ trang mạng mil.news.sina.com.cn của Trung Quốc

Vào cuối năm 2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gây bất an khi cảnh báo rằng sẽ có "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" chống lại các máy bay nước ngoài không đưa ra thông báo trước khi vào khu vực nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tự áp đặt trên biển Hoa Đông. Để đáp lại, Lầu Năm Góc đã điều 2 máy bay ném bom B-52 không vũ trang bay trên biển Hoa Đông để thách thức tuyên bố này của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng đã được xoa dịu khi Trung Quốc nhượng bộ và phát tín hiệu sẽ không gây nguy hiểm cho các phi công và hành khách.

Nhưng Lầu Năm Góc lại giận dữ khi vào tháng 8.2014, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay cản đầu một máy bay tuần biển P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên vùng trời bắc Biển Đông, và Nhà Trắng gọi vụ việc này là một sự khiêu khích có chủ ý. Năm 2001, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã va chạm với một máy bay trinh sát biển EP-3 của Hải quân Mỹ khiến máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Thời điểm này, quân đội Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng. Hầu hết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc không đủ khả năng bay tầm xa để tuần tra trên quần đảo Trường Sa, nằm cách xa gần 1.000 km so với căn cứ không quân gần nhất của Trung Quốc và xa hơn 800 km từ một đường băng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam, theo báo cáo của Uỷ ban giám sát an ninh - kinh tế Mỹ - Trung Quốc.

Tương tự, hải quân Trung Quốc có khả năng hạn chế khi hoạt động tại vùng biển xa trong thời gian dài vì thiếu các căn cứ ở nước ngoài để tiếp nhiên liệu và hậu cần, theo các quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của việc thảo luận về khả năng quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động năm 2012, nhưng con tàu này dự kiến sẽ không có khả năng điều hành các hoạt động bay sớm nhất đến năm 2016.

Vào tháng 11.2014, một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông sau khi tham gia vào việc tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích ngày 8.3.2014. "Chúng tôi có nhu cầu về một cơ sở hỗ trợ hệ thống radar và các hoạt động thu thập tin tức", ông Jin Zhirui, thuộc bộ chỉ huy không quân Trung Quốc nói với các phóng viên tại Diễn đàn an ninh quốc gia Xiangshan.

Việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích "khiến chúng tôi nhận ra chúng tôi thiếu khả năng về không quân ở Biển Đông. Có nhu cầu về một căn cứ hoạt động ở Biển Đông phục vụ cho an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích quốc gia", ông Jin nói.

Jeffrey Engstrom, một chuyên gia an ninh châu Á của Rand Corp. (tổ chức tư vấn tại Santa Monica, California, Mỹ) cho rằng Trung Quốc sẽ không xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở một khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão như Biển Đông. Nhưng theo ông, những hòn đảo nhân tạo sẽ rất hữu ích cho Trung Quốc trong việc thiết lập sự hiện diện và triển khai sức mạnh hạn chế ở Biển Đông.

Anh Sơn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right