"Nếu không đổi mới bây giờ thì biết đến lúc nào mới là phù hợp? Có đổi mới TAND, đổi mới đội ngũ thẩm phán thì quyền tư pháp thực sự đóng vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền. Nói đến Nhà nước pháp quyền mà không tôn trọng, không đề cao quyền tư pháp thì là chưa đầy đủ." - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông
- Theo quan điểm của tôi thì trong 2 Dự luật này đã bước đầu đề cập đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong quan hệ giữa TAND với các cơ quan khác, giữa VKSND với các cơ quan khác, nhưng để cụ thể hóa, mạch lạc ra lại chưa đạt được. Chẳng hạn như vấn đề TAND chịu sự kiểm soát của Quốc hội được thể hiện khá rõ rồi, nhưng TAND chịu sự kiểm soát, giám sát của Chính phủ thế nào thì chưa rõ. Theo Dự thảo Luật Tổ chức TAND, TAND vẫn tổ chức theo hệ thống khép kín. Lẽ ra trong TAND chỉ tồn tại quan hệ tố tụng chứ không thể tồn tại quan hệ cấp trên – cấp dưới như trong các cơ quan hành chính. Tất nhiên quan hệ hành chính trong TAND vẫn diễn ra, song phải được thiết kế ở dạng khác để đảm bảo mối tương quan giữa quyền lực hành chính và quyền tố tụng.
Cần thiết kế lại ra sao, thưa ông?
- Chẳng hạn, Dự thảo Luật giao cho TANDTC quản lý TAND địa phương về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề tổ chức, vô hình trung tạo thành hệ thống biệt lập, thành các cấp tòa và đấy là quan hệ hành chính. Về mặt hành chính, TANDTC là cơ quan cấp trên rồi cứ thế xuống đến TAND cấp huyện thì không đúng tinh thần của quyền tư pháp, không bảm đảm độc lập khi xét xử của các thẩm phán. Bởi thế, cần thiết kế lại quy định quản lý về mặt tổ chức đối với các Tòa án cho thích hợp. Tôi cho rằng ở Việt Nam, trong quá trình thảo luận xây dựng Hiến pháp đã bàn đến Hội đồng Tư pháp quốc gia mà chưa được chấp thuận thì trong Dự luật này có thể làm sống lại ý tưởng về Hội đồng Tư pháp quốc gia và trao cho Hội đồng này quản lý TAND về phương diện hành chính để tách thành 2 tuyến quan hệ tố tụng và quan hệ hành chính khác nhau.
Theo ông, liệu có phải kiểm soát quyền lực là vấn đề quá mới nên cơ quan soạn thảo không tránh khỏi lúng túng?
- Quả thật, vấn đề kiểm soát quyền lực rất phức tạp vì liên quan đến thẩm quyền, đến quan hệ giữa các thiết chế quyền lực, song tôi nghĩ cần mạnh dạn hơn. Riêng đối với Luật Tổ chức TAND, tại sao ta không tính đến việc trao cho TAND quyền có thể tạm thời không áp dụng các quy định của pháp luật khi có đủ căn cứ cho rằng quy định đó không hợp lý, vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời trao cho họ thẩm quyền kiến nghị với cơ quan ban hành để sửa đổi quy định và xét xử theo lương tâm, theo tinh thần pháp quyền của mình. Đây cũng chính là cơ sở để án lệ ra đời, phát triển.
Ông cho rằng đổi mới như trên là phù hợp với điều kiện hiện nay phải không?
- Nếu không đổi mới bây giờ thì biết đến lúc nào mới là phù hợp? Có đổi mới TAND, đổi mới đội ngũ thẩm phán thì quyền tư pháp thực sự đóng vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền. Nói đến Nhà nước pháp quyền mà không tôn trọng, không đề cao quyền tư pháp thì là chưa đầy đủ.
Còn đề xuất bổ nhiệm không kỳ hạn đối với thẩm phán TANDTC thì sao, thưa ông?
- Riêng đề xuất này, tôi lại cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa hợp lý vì thực chất mà nói, chúng ta chưa có đội ngũ thẩm phán thực sự đáp ứng được yêu cầu, kể cả về phẩm chất, năng lực. Để tiến tới việc bổ nhiệm không kỳ hạn, sẽ phải trải qua một thời kỳ dài, phải rà soát, sàng lọc kỹ càng đội ngũ thẩm phán. Hơn nữa, làm như vậy sẽ là đổi mới toàn diện. Nghĩa là chúng ta phải làm song song, một mặt tiếp tục đề cao, nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, mặt khác là đòi hỏi cao ở thẩm phán. Với trọng trách như vậy thì phải chọn lọc chính xác, việc giám sát phải hết sức chặt chẽ và nhanh chóng loại bỏ những thẩm phán không đủ tư cách, cho nên bổ nhiệm có kỳ hạn vẫn quan trọng tại thời điểm này.
Liên quan đến chế độ chính sách cho thẩm phán, kiểm sát viên, theo ông có nên quy định chế độ đặc thù đối với những chức danh này không?
- Theo tôi, lương, ngạch bậc với thẩm phán phải đặc thù vì công việc rất áp lực, rất trọng trách, nhưng không đồng nghĩa là đặc thù cho cả hệ thống TAND. Còn mô hình tổ chức Viện kiểm sát của mình theo chế độ thủ trưởng vốn là nguyên tắc hành pháp nên chế độ cũng theo hành pháp, không cần phải có đặc thù.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trích Nguồn:http://www.baomoi.com
|