(PLO)- Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cựu giám đốc BV TP Thủ Đức không phạm tội tham ô tài sản mà phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu...
Trước đó, tại phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 16-17 năm tù về tội tham ô tài sản, 5-6 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù.
VKS cũng ghi nhận bị cáo Quân về chuyển biến trong nhận thức đối với hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình điều tra, xét hỏi không nhận tội, cho rằng bị vu khống. Tuy nhiên, phút cuối cùng của phần thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo nhận tội và xác nhận cáo trạng truy tố là đúng.
Tại phần tranh luận, LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Quân đề nghị HĐXX xem xét bị cáo Quân không phạm tội tham ô tài sản mà phạm tội vi phạm phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (mức án cao nhất đến 20 năm tù, nhẹ hơn tội tham ô - mức án cao nhất lên đến chung thân, tử hình).
LS cho rằng, bị cáo Quân không quản lý tài sản; tài sản khi đưa ra khỏi BV phải qua nhiều quy trình, cuộc họp, nhiều phòng ban. Bản thân bị cáo Quân không có đủ thẩm quyền. Đối với bốn công ty tham gia thầu, không phải do bị cáo thành lập, và người đại diện không phải bị cáo Quân.
Đại diện VKSND TP.HCM đối đáp, về chủ thể tội tham ô tài sản là bị cáo Quân - giám đốc BV Thủ Đức. Bị cáo Quân là chủ tài khoản duy nhất của BV và có quyền kí uỷ nhiệm chi trước khi tiền ra khỏi BV.
Theo hồ sơ pháp lý, các công ty trên ngay từ khi thành lập bị cáo chỉ đạo lợi thành lập đều có 80-90% vốn sở hữu của bị cáo Diễm (vợ Quân). Em trai của bị cáo Quân cũng khai đã đứng tên hộ cho bị cáo. Nên đây là các doanh nghiệp do bị cáo thành lập và đã tham gia đấu thầu tại BV Thủ Đức và trúng 27/28 gói thầu, việc tham gia đấu thầu là phương thức thủ đoạn, để đưa tiền ra khỏi BV.
Từ đó, VKS khẳng định hành vi của bị cáo Quân đủ cấu thành tội tham ô tài sản và giữ nguyên quan điểm truy tố. Bị cáo Quân đã tham ô chiếm đoạt 102 tỉ đồng của BV Thủ Đức.
Bị cáo Quân trình bày, bị cáo không am hiểu pháp luật và thấy cáo trạng đúng, mong HĐXX xem xét mức án nhẹ nhất và mong được về để giảng dạy.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) đề nghị xem xét tình tiết bị cáo phạm tội lần đầu, hợp tác với CQĐT.
Theo VKS, bị cáo Diễm chỉ khai ra hành vi phạm tội của mình, còn tài liệu trong hồ sơ vụ án không thể hiện được bị cáo hợp tác với CQĐT nên VKS không chấp nhận. Như cáo trạng công bố, bị cáo Diễm có yêu cầu Lợi chuyển tiền và sử dụng theo mục đích của bị cáo; khi mua nhà, xe bị cáo đều lên kí hợp đồng giao dịch… Bị cáo Diễm đã giúp sức bị cáo Quân che giấu tiền phạm tội và sử dụng tiền phạm tội dù bị cáo biết rõ hay có cơ sở biết thì cũng đủ cấu thành tội rửa tiền.
Cạnh đó, các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo là nhân viên ở BV Thủ Đức cũng trình bày bào chữa, phân tích hành vi phạm tội của từng bị cáo để tuyên mức án nhẹ hơn mức án mà VKS đề nghị.
Đối đáp lại, VKS cho biết, đã vận dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ theo quy định, chính sách pháp luật có lợi nhất cho tất cả bị cáo trong vụ BV Thủ Đức. Tuy nhiên nếu còn tình tiết nào chưa áp dụng thì HĐXX xem xét.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Quân 16-17 năm tù về tội tham ô tài sản, 5-6 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù.
Nguyễn Văn Lợi 13-14 năm tù về tội tham ô tài sản, 3-4 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt 16-18 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Trần Ngọc Diễm (vợ bị cáo Quân) 2 năm 6 tháng - 3 năm 6 tháng tù về tội rửa tiền.
Sáu bị cáo là cựu nhân viên tại BV Thủ Đức từ 2 năm 6 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.