(PLO) - Hôm qua 6/8, nghe báo cáo về Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Đây là Đề án rất có ý nghĩa, là điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, cho xã hội, tiếp theo Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý phải quy định rõ người dân có quyền lựa chọn theo cơ chế liên thông này hoặc cơ chế cũ như hiện nay, đồng thời bổ sung liên thông cả đăng ký giao dịch bảo đảm để thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu.
Thực hiện riêng lẻ: Dễ phát sinh nhiều thủ tục con
Theo quy định của Luật Công chứng 2014, các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Công chứng có ý nghĩa rất quan trọng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Còn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng gồm: hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, thừa kế, tặng cho. Các hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, chuyển đổi, chuyển nhượng mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng theo yêu cầu của các bên.
Cũng theo quy định của Luật Đất đai 2013, trong nhiều trường hợp, các bên tham gia hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất phải làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vì vậy, thủ tục nộp thuế cũng là một khâu trong chuỗi thủ tục hành chính liên quan đến hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) thì mặc dù đã có quy định về luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hướng đầu mối tiếp nhận là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện thủ tục hành chính này vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong đó có thể kể đến do thiếu sự liên thông về thủ tục nên buộc người dân phải thực hiện nhiều thủ tục riêng lẻ khác nhau tại ba cơ quan, tổ chức là công chứng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế (đối với trường hợp không thuộc diện miễn nộp lệ phí trước bạ) mất rất nhiều thời gian và phiền phức. Việc thực hiện từng thủ tục riêng lẻ ở từng tổ chức, cơ quan cũng làm phát sinh nhiều thủ tục con, trong đó có những giấy tờ trùng lặp với thủ tục hành chính đã được giải quyết ở khâu trước đó.
Bên cạnh đó, do thiếu sự liên thông về thông tin và thủ tục nên không ít trường hợp cá nhân, tổ chức tuy đã ký kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng sau đó không làm các thủ tục tiếp theo tại Văn phòng đăng ký đất đai, do đó, Văn phòng này không cập nhật được thông tin biến động về quyền sử dụng đất, đồng thời cơ quan thuế cũng không thu được thuế đối với các hợp đồng, giao dịch này. Đây là một kẽ hở cho những người kinh doanh bất động sản trốn thuế. Đó là chưa kể những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Về tính khả thi và những lợi ích của đề án nói trên, ông Nguyễn Văn Lâm phân tích: Người dân chỉ phải đi đến duy nhất một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng để nộp hồ sơ và nhận kết quả thay vì phải đi lại từ 8 đến 10 lần.
Về phía tổ chức hành nghề công chứng thực hiện ủy quyền của cá nhân, tổ chức cũng rút ngắn số lượt đi, về so với quy định hiện tại không phải chứng thực các giấy tờ liên quan tại UBND cấp xã; không phải đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để khai và nộp tờ khai nghĩa vụ thuế; không phải xin xác nhận của đơn vị vào hóa đơn, chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất (nếu có); không phải làm thủ tục tách, hợp thửa riêng biệt trước khi đăng ký biến động; không phải thực hiện thủ tục chứng nhận thuộc diện không phải nộp, miễn nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế trước khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Theo tính toán sơ bộ, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước quy trình liên thông là trên 356 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí tuân thủ sau khi thực hiện liên thông là trên 70 tỷ đồng, tiết kiệm 80%. Áp dụng thủ tục liên thông cũng làm rõ trách nhiệm của tổ chức công chứng và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, hạn chế thất thoát thuế cho Nhà nước.
Đầu mối tiếp nhận: Nên giao tổ chức hành nghề công chứng
Đại diện Tổng cục đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý, nên quy định rõ trong đề án là người dân được quyền lựa chọn giữa cơ chế liên thông mới hoặc theo cơ chế cũ, bởi lẽ thực tế nhiều người vẫn muốn tự mình đi làm các thủ tục hành chính mà không phải giao hết cho một cơ quan, tổ chức nào đó. Đại diện này cũng cho biết, hiện cả nước mới có khoảng 5 tỉnh kết nối cơ sở dữ liệu được với nhau nên thông tin cung cấp sẽ rất khó khăn, nhiều trường hợp vẫn phải tra cứu hồ sơ gốc, bằng phương pháp thủ công, do đó cần tính toán kỹ khi lựa chọn các địa phương làm thí điểm.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Long, nguyên Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm lại có quan điểm khác. Ông cho rằng việc địa phương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hay chưa không quan trọng. “Chính là làm thủ công mới thuận lợi hơn cho người dân vì đỡ mất công họ phải đi lại, tốn kém. Vấn đề là thời gian chúng ta giải quyết các thủ tục hành chính này trong bao lâu”. Ông Long nói và đề nghị không cần thí điểm mà áp dụng ngay như Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi .
Đại diện đến từ Bộ Tài chính thì đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế cũng như các cơ quan liên quan, tránh tình trạng gian lận, thông đồng và các văn bản này cần phù hợp với các quy định pháp luật khác như Luật Quản lý thuế…
Trong quá trình xây dựng Dự thảo đề án, Tổ biên tập cũng cho biết, về đầu mối tiếp nhận hồ sơ, có ý kiến đề nghị là tổ chức hành nghề công chứng, ý kiến khác đề nghị là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, nên để các tổ chức hành nghề công chứng làm đầu mối tiếp nhận bởi việc cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức có quyền thể hiện ý chí của mình thông qua việc ký kết hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng (theo quy định của Luật Công chứng 2014). Vì vậy, trước tiên cá nhân, tổ chức phải liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để ký kết hợp đồng, giao dịch.
Trong trường hợp nếu cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, sau đó liên thông với tổ chức hành nghề công chứng sẽ có thể dẫn tới sự liên hệ ngầm giữa Văn phòng đăng ký với một hoặc vài tổ chức hành nghề công chứng theo kiểu “sân sau”. Điều này gây ra tình trạng độc quyền, cơ chế xin - cho, thậm chí là tham nhũng.
Bên cạnh đó, cũng theo Tổ biên tập, thực tế, tổ chức hành nghề công chứng không chỉ xác minh các thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất mà còn phải xác minh nhiều nội dung khác để chứng nhận tính pháp lý và tính xác thực của hợp đồng, giao dịch. Tổ chức hành nghề công chứng cũng phải liên hệ với nhiều cơ quan, tổ chức liên quan như UBND cấp xã, Tòa án, Văn phòng đăng ký, cơ quan quản lý về xây dựng, nhà ở hay cơ quan quản lý nông nghiệp để xác minh trước khi công chứng hợp đồng.
Trước nghi ngại tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và nắm giữ giấy tờ nhà đất và tiền thuế của cá nhân, tổ chức có thể sẽ gây ra rủi ro cho người dân do thiếu cơ chế quản lý và quy trách nhiệm, Tổ biên tập giải thích rõ, Luật Công chứng 2014 đã quy định rất cụ thể về bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, cũng như quy định về xử lý vi phạm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng… Đặc biệt, Luật cũng quy định tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho công chứng viên. Do đó, rủi ro sẽ được ngăn ngừa.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
Trước hết, cho người dân lựa chọn, còn sau sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”
Đây là Đề án rất cần thiết, có cơ sở lý luận, phù hợp thông lệ quốc tế, được thông qua sẽ tạo sự đột phá quan trọng giảm chi phí cho người dân, cho xã hội. Chính vì tầm quan trọng nên Đề án phải được xây dựng một cách bài bản, có tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, có rà soát kỹ các văn bản pháp luật hiện hành trong nước.
Bước đầu, chúng ta đặt ra cơ chế liên thông mới cho người dân lựa chọn, nếu họ thấy tiện ích thì làm, còn sau đó sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, đề án phải làm rõ trách nhiệm của công chứng viên với hành vi công chứng, với số tiền thù lao và cả tiền thuế (có những việc hàng tỷ đồng tiền thuế) mà người dân giao cho công chứng viên.
Đặt ra việc thí điểm ở 8, 9 địa phương không phải là nhiều, song quan trọng là nơi nào làm được và sự lựa chọn không chỉ trong các địa phương có tổ chức hành nghề công chứng phát triển mà phải phân bổ theo vùng, miền với những đặc thù khác nhau.