TTO - Sáng nay 27-10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về bộ Luật dân sự (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và năm 2015, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp thứ 8 (đang diễn ra), thứ 9 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015).
Chính phủ đề xuất Quốc hội có Nghị quyết giao cho Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành với đề xuất nêu trên của Chính phủ, theo đó sau khi Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 3-2015.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật cũng sẽ ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.
Về cá nhân, dự thảo Bộ luật đã bổ sung nhiều cơ chế pháp lý mới, hợp lý để bảo vệ tốt hơn quyền của những người yếu thế về năng lực hành vi dân sự, đặc biệt là chế độ giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.
Về quyền nhân thân, bên cạnh việc quy định các quyền nhân thân cơ bản nhất của cá nhân thì dự thảo Bộ luật bổ sung nguyên tắc: Ngoài các quyền nhân thân được quy định tại Bộ luật dân sự, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Về pháp nhân, để cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp về quyền lập hội, quyền tự do kinh doanh, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng… và để góp phần “hiện thực hóa” địa vị pháp lý của chủ thể này trong các quan hệ dân sự, dự thảo Bộ luật quy định mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Pháp nhân phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai. Đồng thời, để bao quát, dự báo được sự đa dạng của pháp nhân trong giao lưu dân sự, dự thảo Bộ luật quy định 2 loại pháp nhân cơ bản, đó là: (i) Pháp nhân thương mại (pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận); (ii) Pháp nhân phi thương mại (pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên).