Kiện vợ cũ giành quyền nuôi con

Kiện vợ cũ giành quyền nuôi con

- Nghi ngờ vợ cũ có tình nhân, người chồng đã kiện ra tòa để giành quyền nuôi con; bị đơn thì cho rằng mình đủ khả năng nuôi, dạy con.

Kiện vợ cũ giành quyền nuôi con

TAND quận Tân Bình, TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con giữa nguyên đơn là ông NVH (45 tuổi, ngụ quận 12) và bị đơn là bà LTD (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình).

Sau ly hôn, con ở với mẹ

Theo đơn kiện, nguyên đơn trình bày ông và bà D. là vợ chồng hợp pháp, có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống, ông H. và bà D. có hai con chung. Tuy nhiên, cuộc sống thường ngày phát sinh nhiều mâu thuẫn, không hòa giải được. Đến năm 2018, ông H. và bà D. quyết định ly hôn. Theo thỏa thuận, bà D. sẽ trực tiếp nuôi dưỡng hai con.

Thời gian sau đó, ông H. phát hiện bà D. có quan hệ tình cảm với ông T. Bà D. thường dẫn hai con đi chơi và cùng ngủ chung phòng với ông T. Ông H. cho rằng việc làm này của bà D. là vi phạm đạo đức của người làm mẹ, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các con. Vì vậy, ông H. đã yêu cầu bà D. giao cả hai con để ông trực tiếp nuôi dưỡng. Điều này ông H. đã thỏa thuận bằng văn bản với bà D.

Ông H. cho rằng mình làm ngành giáo dục nên biết dạy dỗ con như thế nào là tốt; còn bà D. thì làm trong lĩnh vực bất động sản nên không có thời gian chăm sóc, giáo dục các con.

Về phía bị đơn, bà D. không đồng ý với yêu cầu trực tiếp nuôi con của ông H. Bà khẳng định sau khi ly hôn với ông H., bà không có mối quan hệ tình cảm nào nên sẽ không làm ảnh hưởng đến tâm lý của các con. Bà có công việc và thu nhập ổn định, không giống như lời ông H. trình bày.

Đối với việc nuôi, dạy con, bà vẫn đảm bảo làm được. Với thu nhập và điều kiện sẵn có, bà có thể chăm sóc cho các con tốt về mặt đời sống, giáo dục. Đối với bé gái, bà là mẹ ruột nên hiểu tính cách của con hơn. Ngoài ra, ông H. sinh sống ở TP.HCM nhưng làm việc ở tỉnh Hà Tĩnh, thường xuyên đi công tác, lại không có ai phụ giúp việc chăm sóc con. Thêm nữa, ông H. sống xa con từ nhỏ nên việc chăm sóc con không thể tốt hơn bà được. Sau khi ly hôn, ông H. cũng chưa thực hiện việc cấp dưỡng để nuôi con khi có phán quyết của tòa.

Thỏa thuận không được, ông H. đã khởi kiện yêu cầu tòa tuyên buộc bà D. phải giao hai con chung để ông trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

Kiện vợ cũ giành quyền nuôi con

Tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn

Tại tòa, phía nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị tòa chấp nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Trình bày thêm, phía nguyên đơn cho rằng việc bà D. cho rằng nguyên đơn không thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con là không đúng. Vì khi ly hôn, cả hai đã thỏa thuận không cho các con biết và vẫn ở chung nhà, sinh hoạt bình thường. Tất cả chi tiêu sinh hoạt đều do ông H. chi trả, tài sản chung vẫn chưa phân chia. Do vậy, việc thực hiện cấp dưỡng là không cần thiết.

Hiện tại, ông H. có công việc ổn định, làm việc trong lĩnh vực giáo dục, ông lại có trình độ về ngoại ngữ, thuận lợi trong việc giáo dục con cái. Cạnh đó, ông H. điều hành công ty chủ yếu bằng hình thức họp trực tuyến, không còn phải đi công tác thường xuyên.

Về phía bị đơn, bà D. nêu trong bản tự khai biên bản thỏa thuận về việc nuôi con, ông H. không cung cấp được bản chính. Do đó, bà D. không thừa nhận việc thỏa thuận này.

Nhận định về vụ án, HĐXX cho rằng trong bản tự khai của bà D. nộp cho tòa, bà xác nhận có ký vào văn bản thỏa thuận nuôi con với ông H. Lý do ký, bà D. trình bày vì nghĩ ông H. làm trong ngành giáo dục, nếu làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ông mặc dù có nhiều lý do vô lý. Do đó, tòa xác định giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết thỏa thuận nuôi hai con, được xác lập trên cơ sở tự nguyện.

HĐXX cũng xác định mối quan hệ giữa bà D. và ông T. (người đàn ông khác) có gây ảnh hưởng đến tâm lý của hai cháu bé. Việc bà D. không có mối quan hệ nào với ông T. thì lý do vì sao bà lại ký thỏa thuận giao con để ông H. nuôi và không được đưa con đi gặp ông T.

Đồng thời, bà D. cũng không chứng minh được bà bị ép buộc khi ký văn bản thỏa thuận. Bà D. cũng thừa nhận sau khi ký thỏa thuận, hai con ở với ông H. nhiều hơn. Việc chăm sóc con cũng không gặp trở ngại gì.

Sau khi xem xét, HĐXX TAND quận Tân Bình xét thấy có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Từ đó, HĐXX tuyên giao cả hai con cho ông H. thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Lúc muốn ở với cha, lúc muốn ở với mẹ

Đối với nguyện vọng của hai cháu bé, có cháu muốn ở với cha, có cháu muốn ở với mẹ. Có lúc cháu bé muốn ở cùng với cả cha và mẹ.

HĐXX nêu quan điểm về việc giao cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng, ngoài việc hỏi ý kiến của con đã đủ bảy tuổi thì phải xem xét đến yếu tố khác. Đó là cần phải xem xét những vấn đề nhằm phát triển mọi mặt như giáo dục, chăm sóc về thể chất, sự phát triển ổn định... 

 

MINH VƯƠNG

Nguồn: PLO

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right