Kiện sau khi ‘bể kèo’ giám đốc thẩm

Kiện sau khi ‘bể kèo’ giám đốc thẩm

(PL)- Sau khi “bể kèo”, công ty luật chuyển tiền nhờ người trung gian trả cho đương sự nhưng người này ách lại, thế là công ty luật kiện đòi người trung gian trả tiền và xin lỗi công khai.

Mới đây, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên sửa một phần bản án tranh chấp đòi tài sản và bồi thường thiệt hại danh dự, uy tín giữa nguyên đơn - Công ty Luật TNHH Đ. và bị đơn - ông QAK. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông K. trả lại cho nguyên đơn 150 triệu đồng. Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn buộc ông K. đến Văn phòng Đoàn Luật sư TP.HCM để công khai xin lỗi công ty luật này.

Không kháng nghị thì thanh lý hợp đồng

Theo hồ sơ, đầu tháng 6-2011, ông K. giới thiệu bà H. đến ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty Luật Đ. Nội dung của hợp đồng là tư vấn pháp lý trong thời hạn năm tháng với tiền thù lao là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10-2011, bà H. yêu cầu hủy hợp đồng và nhận lại số tiền. Ông C., Giám đốc công ty luật, đồng ý hoàn trả số tiền này bằng hình thức chuyển khoản cho bà H. hoặc có thể chuyển vào tài khoản của ông K.

Ngày 13-10-2011, bằng ủy nhiệm chi, ông C. đã chuyển từ tài khoản của ông sang tài khoản mang tên ông K. tại Ngân hàng HSBC. “Trên ủy nhiệm chi này ghi rõ nhờ chuyển cho bà H.” - nguyên đơn nhấn mạnh. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, ông K. không chuyển cho bà H. khiến bà này khiếu nại ra Đoàn Luật sư TP.HCM. Từ đó ông C. lại phải trả tiếp số tiền cho bà H. một lần nữa.

Vì vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông K. phải trả lại số tiền đã nhận và buộc ông xin lỗi công khai vì làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của Công ty Đ.

Với tư cách là người liên quan, bà H. khai đúng là thông qua ông K. bà có đến Công ty Luật Đ. ký hợp đồng pháp lý. Theo đó, bà nhờ công ty này bảo vệ quyền lợi cho bà trong vụ việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo thủ tục giám đốc thẩm. Thời hạn và thù lao đúng như nguyên đơn khai. Tuy nhiên, cuối tháng 2-2012 bà nhận được công văn của VKSND Tối cao trả lời là không có cơ sở chấp nhận kháng nghị theo yêu cầu của bà. Do đó bà đề nghị thanh lý hợp đồng và ông C. cho biết đã hoàn trả số tiền cho ông K. Việc chuyển tiền này bà không biết nên bà khiếu nại đến đoàn luật sư. Sau đó bà đã nhận đủ số tiền từ ông C. vào tháng 10-2012.

Tuy nhiên, ông K. - bị đơn thì lại trình bày khác. Theo ông K., giá trị hợp đồng pháp lý nói trên là 300 triệu đồng nhưng ghi trên giấy tờ là 150 triệu đồng. Do bà H. hoàn cảnh khó khăn nên ông cho mượn tiền để chuyển cho ông C. Ông không biết nội dung hợp đồng này và cũng không biết giữa ông C. với bà hủy hợp đồng. Sau khi biết sự việc không có kết quả, ông có nhiều lần yêu cầu ông C. trả lại tiền nên khi nhận số tiền 150 triệu đồng từ tài khoản ATM ông thấy bình thường. Ông K. khẳng định việc cá nhân ông C. chuyển tiền cho ông không liên quan đến Công ty Đ. Vì vậy công ty này không có quyền kiện ông.

Tòa dưới buộc xin lỗi, tòa trên bảo không

Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Đ., buộc bị đơn trả lại tiền và phải xin lỗi công khai. Ông K. kháng cáo bản án này.

Tại tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn xác định Công ty Đ. là loại hình doanh nghiệp một thành viên, do cá nhân ông C. là chủ sở hữu. Giữa ông C. và Công ty Đ. có sự liên kết không tách rời. Trong quá trình giao dịch thì tùy tình huống cụ thể mà ông C. có thể sử dụng tài khoản cá nhân hoặc công ty để giao dịch với khách hàng. Trong vụ án này, ông K. chỉ là người trung gian, ông C. và ông K. không hề có bất kỳ giao dịch hay ký kết hợp đồng nào...

HĐXX nhận định việc ông C. chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản ông K. nhờ trả cho bà H. là có thật. Ông K. không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc ông có cho bà H. mượn tiền và số tiền 150 triệu đồng là tiền ông C. trả cho ông K. Hơn nữa, nếu bà H. có mượn tiền của bị đơn thì đó là giao dịch dân sự giữa hai người, không liên quan tới Công ty Đ. Vì vậy tòa sơ thẩm buộc ông K. trả lại 150 triệu đồng cho nguyên đơn là có căn cứ.

Còn về yêu cầu bồi thường danh dự, HĐXX phúc thẩm có nhận định khác với sơ thẩm. Cụ thể, trong quá trình giải quyết vụ án này, ông K. hoàn toàn không thừa nhận việc ông C. nhờ chuyển trả tiền cho bà H. Và theo bị đơn, đây là số tiền ông C. trả cho mình. Còn ông C. thì cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh rằng ông K. cam kết sẽ có trách nhiệm chuyển tiền cho bà H. hoặc phải chịu trách nhiệm về hành vi không chuyển tiền cho bà H. Tòa sơ thẩm buộc ông K. phải đến Văn phòng Đoàn Luật sư TP.HCM xin lỗi công khai Công ty Đ. là không đúng. Từ phân tích trên, tòa đã sửa án như trên.

Đôi khi luật sư cũng... quên luật

Tại phiên phúc thẩm, luật sư của bị đơn cho là cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng. Cụ thể, Công ty Đ. không có đơn xin miễn nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu đòi bồi thường về danh dự, uy tín mà án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này và không buộc bị đơn phải chịu án phí. HĐXX phúc thẩm nhận định luật sư nhìn nhận không đúng về vấn đề này. Khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009 quy định trường hợp kiện yêu cầu bồi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thuộc diện miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí và tiền án phí.

HOÀNG YẾN
Trích nguồn:http://netluat.plo.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right