(PL)- Thịt heo chết trôi nổi được mang ra các khu chợ công nhân và mang lên TP.HCM, Bình Dương tiêu thụ.
Trong khi đó, ngay tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) cũng có nhiều lò mổ chuyên đi thu gom heo chết trên địa bàn và các huyện lân cận để bán cho các thương lái mang ra các khu chợ công nhân hoặc giao cho các lò heo quay ở TP.HCM, Bình Dương tiêu thụ...
Ướp đá mang về TP.HCM
Đầu tháng 1-2015, bà N. ở khu phố 4, phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) gọi điện thoại cho ông L., một chủ lò mổ heo lậu ở phường Long Bình thông báo cần bán ba con heo chết, mỗi con 30-40 kg. Chưa đầy 20 phút sau, ông L. đã có mặt tại nhà bà N. để gom heo. Đến nơi, vừa dựng xe xong, ông cầm hai chiếc bao tải đi ra phía chuồng heo. Ông L. nhanh chóng bỏ hai con heo chết khoảng 30 kg vào một bao tải, con lớn hơn bỏ vào chiếc bao còn lại. Sau đó ông L. mang hai chiếc bao chứa heo chết lên trước sân. Rất nhanh chóng, ông L. cho hai chiếc bao lên xe rồi phóng nhanh về lò mổ.
Ông L. tiết lộ mỗi ngày ông “xử lý” vài chục con heo từ các trang trại nhỏ trên địa bàn các phường Long Bình, Trảng Dài, Tân Phong, xã Trị An, Vĩnh Cửu. Ông cho biết các trang trại tự phát khi có heo nhỏ chết thì thường là chết vài ba con một lúc và người nuôi heo chỉ bán với giá 1/3 so với heo khỏe mạnh. Cũng theo ông L., sau khi làm sạch, ướp đá, heo sẽ được thương lái hoặc đầu mối mang lên TP.HCM tiêu thụ.
1. Ông L. đang thu gom heo chết của bà N. ở khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa.
2. Bà Nh. đến chở thịt heo từ lò mổ lậu của ông Đ.
3. Bà Nh. mang thịt heo trôi nổi đến bán tại khu chợ công nhân ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa. Ảnh trong bài: T.DŨNG
Sáng 8-2, chúng tôi tiếp cận lò mổ heo cũng là nhà ở của gia đình ông L. tại khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Theo quan sát, lò mổ của ông L. chừng 200 m2 nằm sát bên bờ suối. Mới hơn 8 giờ sáng, các thương lái đã vào lấy thịt heo mang đi bán. Trong khoảng một tiếng, chúng tôi đếm được năm xe máy đến lấy hàng và khi đi ra, trên xe chất đầy một giỏ thịt.
Cũng trong thời gian trên, chúng tôi thấy một thanh niên chở một bao tải chạy vào nhà ông L. rồi mất hút trong ấy.
Thịt heo chết ra chợ thành thịt tươi!
Tại khu phố 2, phường Long Bình, một lò mổ heo lậu của ông Đ. hoạt động nhộn nhịp từ sáng đến chiều.
Sáng 7-2, có mặt tại lò mổ của ông Đ., chúng tôi ghi nhận cứ khoảng 15-20 phút là có một chiếc xe máy vào lấy hàng. Lò mổ này nằm sát đường nhựa và các xe ra vào lấy hàng hầu hết không biển số, thịt heo được che chắn kỹ bằng nylon, bìa cứng.
Theo chân một phụ nữ lấy thịt heo từ lò ông Đ., chúng tôi thấy người này chở thịt heo đến sạp của khu chợ công nhân ở cổng 11, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa bán. Theo người này, mỗi ngày chị bán gần hai tạ thịt nhưng không có dấu kiểm dịch. “Muốn đóng mộc dễ lắm, mộc giả tràn lan. Chủ yếu người ta kiểm tra ở lò mổ chứ mấy khi ra chợ kiểm tra” - chị này nói.
Theo một người mổ heo lâu năm, hầu hết lò mổ tại phường Long Bình là lò mổ lậu, tồn tại 3-7 năm nay. Những lò mổ lậu này mua gom heo trong dân, heo bệnh đã chết hoặc sắp chết của người dân hoặc các trang trại mang về xẻ thịt. Công nghệ chế biến heo chết thành heo tươi là úp thịt heo chết vào thùng đá sẽ làm mất dấu tím tái hoặc xanh đen trên thịt heo bệnh, sẽ qua mắt được người mua.
““Heo quay” là tiếng lóng của dân làm heo vì không phải heo nào cũng để quay. Heo chết gọi là “heo quay” vì không ai nuôi con heo được 60-70 kg mà lại đi bán để quay. Số “heo quay” này một phần mang bán cho các tiệm quay heo, một phần mang bán ở các khu chợ công nhân ở Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương… Nói thiệt những con chưa kịp chết đã bị người nuôi heo tiêm rất nhiều loại thuốc nhưng không thể cứu nên mới bị bán tống bán tháo. Heo đã chết thì khỏi phải bàn! Các lò mổ chẳng cần biết nó bị bệnh gì, cứ có lời là họ mang về lò, phù phép thành thịt heo tươi” - anh này nói.
TIẾN DŨNG
Trích nguồn:http://phapluattp.vn