Bé Dương Gia Hân được bà Ngân nhận là con ruột
(PLO) - Nhận thấy có nhiều bất thường về 5 đứa trẻ được gửi nuôi tại một công ty ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chính quyền địa phương phối hợp với công an kiểm tra, phát hiện những đứa trẻ trên do bà Dương Thị Kim Ngân (38 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) đưa từ Tây Ninh đến.
Nhận là mẹ nhưng không xuất trình được giấy tờ
Ông Mai Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, cho biết, vào khoảng 10h ngày 27/8 nhận được điện thoại của UBND xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh, báo tin 5 đứa trẻ tại cơ sở nuôi trẻ mồ côi không phép có tên gọi “Gia đình cô nhi” thuộc xã Suối Dây bỗng dưng mất tích.
Qua quá trình rà soát, kiểm tra, UBND xã Suối Dây biết những đứa trẻ này được chuyển về một cơ sở ở xã Phước Tân. Ngay lập tức ông Tài chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp rà soát tất cả các cơ sở nuôi giữ trẻ trên địa bàn.
Chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 đứa trẻ “lạ” đang được nuôi giữ tại công ty cổ phần Thiện Tâm do bà Nghiêm Thị Yến Nga làm chủ. Người được phân công trông giữ 5 đứa trẻ là bà Phan Thị Ga (60 tuổi, quê An Giang).
Bà Ga khai ngày 26/8 được bà Dương Thị Kim Ngân (38 tuổi, ngụ xã Tam Phước, TP. Biên Hòa) nhờ chăm sóc 5 đứa trẻ gồm: Nguyễn Quốc Khánh (3 tuổi), Dương Kim Hiền (2 tuổi), Dương Gia Hân (7 tháng tuổi), Nguyễn Kim Hằng (2 tuổi) và Nguyễn Quốc Hiếu (2 tuổi). Cả 5 đứa trẻ này đều do bà Ngân đưa từ Tây Ninh về. Bà Ga nói: “Do được thuê giữ nên tôi không tò mò nhiều về nguồn gốc những đứa trẻ này”.
Được công an mời lên làm việc, bà Ngân khai, trong số 5 đứa trẻ có cháu Dương Kim Hiền và Dương Gia Hân là con ruột của mình. Yêu cầu xuất trình giấy tờ, bà Ngân không đưa ra được chứng cứ, chỉ lý giải là “do không có chồng mà lại có hai con nên ngại chẳng dám nói với ai, lúc sinh con xong nhờ một người quen ở Tây Ninh nuôi giúp” và “sơ suất không làm giấy khai sinh cho con nên phải đưa các con về Đồng Nai tá túc”.
Bé Nguyễn Kim Hằng được phát hiện tại công ty Thiện Tâm
Tại thời điểm công an kiểm tra công ty Thiện Tâm, chủ công ty không có mặt, gọi điện thoại không liên lạc được. Bà Ngân biện bạch do quen với chủ công ty này qua những lần tham gia làm công tác từ thiện nên người này cho phép đưa con vào gửi. Công an TP. Biên Hòa đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, chuyển 5 đứa trẻ chưa rõ lai lịch gửi về trung tâm bảo trợ và cô nhi Biên Hòa.
Bà lão 70 cứ ra đường là… nhặt được trẻ bị bỏ rơi?
Chủ tịch UBND xã Phước Tân chia sẻ thêm, qua xác minh từ Tây Ninh, được biết cơ sở nuôi trẻ mồ côi không phép “Gia đình cô nhi” từng bị phát hiện nuôi giữ 8 đứa trẻ thì 6 đứa đã không có giấy khai sinh. Bà chủ cơ sở này là một bà lão 70 tuổi trình bày rằng 6 em này bị bỏ rơi trước cửa nhà, không có ai làm chứng nên bà không trình báo địa phương.
Khi chuyển 5 đứa trẻ về Đồng Nai, bà lão 70 tuổi làm những “giấy tờ” khá sơ sài. Điển hình như “hồ sơ” của em Nguyễn Quốc Hiếu chỉ có một tấm hình và một tờ giấy bà lão ghi ngắn gọn: “Vào sáng ngày 25/6/2012, tôi đi chợ về thấy một đứa bé nằm trước cổng, người tím ngắt, da nhăn nheo không cử động, thấy một bà đi qua nói “dì đem chôn nó đi” nhưng tôi thấy tội nghiệp nên tôi đưa vào chăm sóc thì thấy bé từ từ tỉnh lại”.
Trường hợp của bé Nguyễn Kim Hằng cũng có phần “lý lịch” tương tự: “Tôi đi làm về thấy một cái bịch rớt trên đường bèn dừng xe lại nhìn thì ra là một đứa trẻ sơ sinh. Tôi tiến lại gần thấy đứa trẻ đen thui, ai cũng nói “không sống được đâu”. Một cô gái bồng đứa bé đưa cho tôi rồi cô ấy leo lên xe cô ấy chạy đi luôn”…
Nơi “tập kết” trẻ để mua bán?
Không chỉ vậy, bà lão 70 tuổi còn ghi nhiều tên cháu khác bị bỏ rơi nữa, nhưng chỉ có 3 cháu được bà Ngân đưa về (trừ hai đưa bé bà Ngân khai con mình). Trước sự việc này, chính quyền địa phương đặt câu hỏi bà lão 70 tuổi tại Tây Ninh tại sao lại “may mắn” nhặt được nhiều đứa trẻ trong các tình huống tương tự như vậy? Bà Ngân đưa 5 đứa trẻ về Đồng Nai rồi thuê người chăm sóc là có mục đích tốt hay xấu? Liệu đây có phải là sự sắp đặt của một cuộc mua bán trẻ em?
Bản khai của bà lão 70 tuổi về quá trình nhặt và nhận nuôi những đứa trẻ không rõ lai lịch
Về “công ty” chứa 5 đứa trẻ chưa rõ lai lịch ở địa chỉ số 19, ấp Hương Phước, xã Phước Tân, gắn bảng công ty cổ phần Thiện Tâm, giống một ngôi nhà bị bỏ hoang. Hàng rào bê tông được “trang trí” bởi những cỏ cây chẳng thành hàng lối. Khu vườn rộng nhưng từ lâu đã vắng bóng người chăm sóc, cánh cổng bằng sắt đang trong thời kỳ hoen rỉ.
Những người dân ở ấp Hương Phước cho hay, trước đây công ty Thiện Tâm là một xưởng may mặc của người khuyết tật. Sau đó làm ăn thua lỗ, công ty đã phá sản. Chủ cơ sở sau đó làm đơn xin tỉnh cho thuê thêm đất để mở xưởng may tiếp nhưng không được chấp nhận. Hai năm nay, chủ cơ sở rất ít xuất hiện ở địa phương, nếu có cũng trở về chốc lát rồi đi.
Một nhân chứng cho hay: “Liên tiếp vài tháng liền có nhiều đơn vị, cá nhân về địa phương tìm hiểu bà Nga. Có đợt xuất hiện cả công an đi điều tra. Chúng tôi và người dân ở các ấp lân cận vẫn loáng thoáng nghe bà Nga nợ nần tiền hàng trăm triệu. Bấy lâu cả ấp tò mò không biết bà Nga ở đâu và làm gì? Giờ thêm chuyện bà Nga cho người ở nơi khác mượn công ty giữ trẻ mờ ám. Liệu bà ấy có bao che cho bà Ngân hay dính líu đến chuyện vi phạm pháp luật?”. /.