(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chứng thực trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu: “Từ thực tiễn công tác chứng thực, Hà Nội phải giúp cho cơ quan hoạch định chính sách xây dựng Luật Chứng thực sát với thực tiễn, thuận lợi hơn cho người dân và giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước”.
Báo cáo tổng kết công tác chứng thực trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao đánh giá, việc thực hiện công tác chứng thực có nhiều chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu thể hiện ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Việc chứng thực cơ bản đảm bảo đúng quy trình... Việc từng bước chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện và UBND cấp xã cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, công tác chứng thực ở Hà Nội cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, đáng kể là tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực có xu hướng ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải ở một số nơi, đặc biệt là các địa bàn trung tâm thành phố. Qua công tác kiểm tra cũng cho thấy còn tình trạng chậm trả kết quả chứng thực. Cá biệt có nhiều trường hợp chứng sai quy định, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Thêm cho dân nhiều cơ hội lựa chọn
Một trong những nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, theo UBND TP.Hà Nội, xuất phát từ những bất cập của quy định pháp luật hiện hành. Do đó, UBND TP đề nghị khi xây dựng Luật Chứng thực cần giữ nguyên mô hình các cơ quan chứng thực như hiện nay, tiếp tục phân cấp thẩm quyền cho cả cấp huyện và cấp xã đều chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không phân biệt ngôn ngữ của văn bản, giấy tờ (trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người dịch).
Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật cần đưa một số việc mà UBND cấp xã vẫn thực hiện “xác nhận” theo yêu cầu của người dân như xác nhận hồ sơ vay vốn, lời khai sự kiện, kê khai thu nhập, có mặt tại nơi cư trú… vào đối tượng điều chỉnh của Luật Chứng thực. Giao thêm thẩm quyền cho UBND cấp xã, cấp huyện trong việc thực hiện các hoạt động chứng thực như chứng thực giấy ủy quyền trong một số trường hợp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản song ngữ để tổ chức, cá nhân có nhiều cơ hội lựa chọn dịch vụ hành chính công.
Về phạm vi chứng thực hợp đồng, giao dịch, căn cứ vào tính chất, giá trị của hợp đồng giao dịch để quy định những loại nào bắt buộc phải công chứng, những loại nào có thể vừa công chứng vừa chứng thực để người dân tự lựa chọn.
Đối với hợp đồng, giao dịch có giá trị thấp, liên quan chặt chẽ đến đời sống hàng ngày của người dân, diễn ra thường xuyên, các bên tham gia giao dịch đều rõ ràng về nhân thân và cùng cư trú trên một địa bàn, hợp đồng giao dịch không dẫn đến việc chuyển dịch quyền sở hữu thì có thể cho phép người dân lựa chọn hoặc công chứng hoặc là chứng thực. Đây cũng là đề nghị của nhiều đại diện tham dự Hội nghị tổng kết nêu trên.
Không buông lỏng quản lý dịch thuật
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác chứng thực của Hà Nội, mà nổi bật nhất là đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phân cấp nhiều hơn cho cơ sở, thái độ phục vụ người dân đã được cải thiện, quản lý nhà nước được tăng cường.
Đồng tình với nhiều đề xuất đã nêu, Phó Chủ tịch nhấn mạnh: “Từ thực tiễn công tác chứng thực trên địa bàn, Hà Nội phải giúp cho cơ quan hoạch định chính sách xây dựng Luật Chứng thực sát với thực tiễn, thuận lợi hơn cho người dân và giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước”.
Trong khi chờ xây dựng Luật Chứng thực, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở Hà Nội phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính nhằm giảm tải việc chứng thực bản sao tại các cơ quan nhà nước. Phó Chủ tịch cũng lưu ý cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt đối với công tác dịch thuật không thể buông lỏng.