Ảnh minh họa
(PLO) - Ngay sau khi Thông tư 28/2014/TT-BCA được ban hành ngày 7/7/2014, có hiệu lực từ 25/8/2014, giới Luật sư (LS) cả nước đã liên tiếp phản ứng vì nhận thấy một số nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề của LS được đề cập trong Thông tư này bị ảnh hưởng, thậm chí không phù hợp và vi phạm quy định của pháp luật.
Trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công an phản đối qui định tại điều 38 Thông tư 28, yêu cầu phải sửa đổi vì “rất dễ bị hiểu sai, rất dễ bị lạm dụng”. “Mọi chủ thể tham gia quá trình tố tụng, nhất là giữa điều tra viên (ĐTV) và LS trong giai đoạn điều tra đều được bình đẳng để thực hiện các chức năng, vai trò mà pháp luật đã qui định, hướng tới một mục tiêu chung là “làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án”, đảm bảo thực thi công lý”, công văn của Liên đoàn LS Việt Nam nêu rõ.
Lo ngại “lạm quyền” vì thiếu sự bình đẳng
“Điểm nóng” nhất trong Thông tư 28 khiến giới LS quan tâm chính là Điều 38 về Trách nhiệm của ĐTV trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý.
Theo đó, “khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì ĐTV tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ. Tùy theo mức độ vi phạm, ĐTV báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.
Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng, Thông tư 28 là hết sức cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm, thực hiện và tuân thủ nghiêm túc công tác điều tra hình sự của cơ quan điều tra các cấp, thủ trưởng, phó thủ trưởng và ĐTV. Tuy nhiên, trong điều kiện những hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của LS, thậm chí vẫn còn những hành vi xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của LS trong giai đoạn điều tra vẫn chưa được xử lý triệt để dù đã có Thông tư 70/2011/TT-BCA thì với qui định của Điều 38 “chưa phù hợp với các qui định của pháp luật, thiếu sự bình đẳng” thì sẽ có khả năng dẫn đến “việc nhận thức không đúng, lạm quyền trong quá trình xử lý vi phạm đối với người bào chữa của ĐTV”.
Theo Liên đoàn LS Việt Nam, nhiều hành vi bị coi là vi phạm của người bào chữa không được định lượng rõ ràng, dễ dẫn đến nhận thức không đầy đủ, thậm chí có thể bị lạm dụng, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động bào chữa của LS trong tố tụng hình sự...
Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng có sự bất bình đẳng trong quan hệ tố tụng giữa ĐTV với người bào chữa. Nội dung khoản 1 điều 38 cũng quy định ĐTV có quyền đánh giá và xác định dấu hiệu và căn cứ cho rằng người bào chữa có hành vi “ngăn cản việc khai báo”, “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác”... nhưng lại không được định lượng một cách rõ ràng, tùy thuộc hoàn toàn vào nhận định, suy diễn chủ quan của ĐTV nên khó tránh lạm quyền, tiêu cực.
Bên cạnh đó, hoạt động tố tụng phải được tiến hành công khai, phù hợp với các qui định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và các biện pháp áp dụng trong hoạt động tố tụng phải là các biện pháp hợp pháp nhưng quy định tại điều 38 Thông tư 28 dành cho ĐTV quyền “ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ” là không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Đồng thời qui định tạo lợi thế cho ĐTV, tạo sự bất bình đẳng giữa ĐTV với người chữa, bởi theo Quy chế của các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam của Bộ Công an quản lý đều có những qui định nghiêm cấm người bào chữa được mang hoặc sử dụng điện thoại, máy ảnh, máy tính, thiết bị ghi âm trong khi làm việc hoặc tham dự hỏi cung.
Chỉ áp dụng đối với những LS có dấu hiệu vi phạm
Đó là lý giải của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) về nội dung Điều 38. Với việc cụ thể hóa những quy định của pháp luật được quy định tại Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 9 Luật LS và các văn bản hướng dẫn, “điều 38 liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của ĐTV, chỉ áp dụng đối với những LS, người bào chữa có dấu hiệu vi phạm trong quá trình tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra”, đại diện Bộ Công an làm rõ.
Ông Nguyễn Ngọc Anh khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của đội ngũ LS trong quá trình tham gia tố tụng hình sự, là một kênh phản biện rất quan trong trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người. Vì vậy, Bộ Công an sẽ chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tạo điều kiện để LS hành nghề theo đúng pháp luật và cũng mong muốn về phía Liên đoàn LS Việt Nam tăng cường chỉ đạo, kiểm tra xử lý nghiêm túc các trường hợp LS cố ý vi phạm trong quá trình hành nghề, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các LS, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra và thực hiện trách nhiệm của các ĐTV”.
Tuy nhiên, dù đại diện Bộ Công an cam kết “bảo đảm và hướng dẫn cụ thể, tập huấn kỹ lưỡng trong toàn ngành để thống nhất về nhận thức, làm rõ phạm vi trách nhiệm để việc thực thi Điều 38 Thông tư 28 đúng theo quy định của pháp luật, kiểm tra, theo dõi và rút kinh nghiệm trong từng giai đoạn để có thể sửa đổi, bổ sung, trước mắt sẽ sơ kết việc thực hiện Thông tư 70 để sửa đổi, bổ sung kịp thời, cùng với quá trình hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi sắp tới”.
“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo kiểm tra 30 trường hợp khiếu nại của các LS liên quan đến các vướng mắc, cản trở quyền hành nghề hợp pháp trong năm 2013, đánh giá, xử lý nghiêm túc, có báo cáo trả lời rõ ràng đến Liên đoàn LS Việt Nam, đồng thời vừa tiếp nhận 33 trường hợp của năm 2014. Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các địa phương, các đầu mối cơ quan điều tra, nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc lực lượng Công an nhân dân yêu cầu chấn chỉnh công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và quyền hành nghề của LS”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.