Hình chỉ mang tính minh họa
(PLO) - 10 thuyền viên làm việc trên hai chiếc tàu cá số hiệu KG 91999 TS và KG 90217 TS của tỉnh Kiên Giang đã bị thuyền trưởng ép nhảy xuống biển do mẫu thuẫn trong quá trình làm việc.
Sau 12 tiếng trôi dạt trên biển, các thuyền viên đã được một tàu cá khác cứu vớt. Hành vi của thuyền trưởng có dấu hiệu phạm tội? Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) giải đáp.
Thưa ông, luật quy định như thế nào về trường hợp thuyền trưởng buộc thuyền viên rời tàu?
Khoản 4 Điều 51 Luật Hàng hải (LHH) quy định, thuyền trưởng có quyền: “Áp dụng các hình thức khen thưởng hoặc biện pháp kỷ luật đối với thuyền viên thuộc quyền; có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải rời khỏi tàu biển những thuyền viên không đủ trình độ chuyên môn theo chức danh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của thuyền viên, khi yêu cầu thuyền viên rời tàu thì thuyền trưởng phải có nghĩa vụ thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 48 LHH: “Trường hợp chủ tàu hoặc thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên phải rời tàu biển thì chủ tàu có trách nhiệm chu cấp mọi chi phí sinh hoạt và đi đường cần thiết để thuyền viên về đúng nơi quy định trong hợp đồng thuê thuyền viên hoặc về đến cảng đã tiếp nhận thuyền viên vào làm việc, nếu trong hợp đồng thuê thuyền viên không có thoả thuận khác; trong trường hợp thuyền trưởng yêu cầu thuyền viên rời tàu biển thì thuyền trưởng phải báo cáo chủ tàu”.
Như vậy, thuyền trưởng do mâu thuẫn mà buộc thuyền viên rời tàu bằng cách buộc nhảy xuống biển là không được phép?
Đúng như vậy. Ngay cả có người phạm tội trên tàu, thì thuyền trưởng cũng chỉ được phép tạm giữ người đang trên tàu mà có hành vi phạm tội tại một phòng riêng, sau đó chuyển giao người có hành vi phạm tội và hồ sơ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở cảng Việt Nam đầu tiên tàu biển ghé vào hoặc cho tàu công vụ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam gặp ở trên biển theo quy định tại Điều 53 Luật Hàng hải.
Điều 100 Bộ luật Hình sự quy định về tội bức tử. Hành vi ép thuyên viên nhảy xuống biển có phạm tội này hay không?
Cấu thành cơ bản tội bức tử: “Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Trường hợp này, không có hành vi tự sát của nạn nhân tự sát nên không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử.
Giữa biển khơi mà ép người khác nhảy xuống biển rõ ràng có thể dẫn đến hậu quả chết người. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội Giết người?
Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Lỗi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật được biểu hiện dưới hai hình thức: Cố ý trực tiếp (người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả chết người xảy ra) và cố ý gián tiếp (người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho tính mạng người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra).
Ép các thuyền viên nhảy xuống biển đã có dấu hiệu phạm tội giết người với biểu hiện lỗi cố ý gián tiếp. Ở đây, pháp luật buộc một người phải nhận thức được hành vi ép người khác nhảy xuống biển sẽ dẫn đến hậu quả chết người có thể xảy ra. Người thực hiện hành vi ép thuyền viên nhày xuống biển tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra bằng việc cho tàu bỏ chạy.
Tuy nhiên, trong vụ việc này 10 thuyền viên đã được tàu khác cứu vớt, hậu quả chết người chưa xảy ra. Vậy có cấu thành tội Giết người?
Một hành vi đã mang trong đó mầm mống dẫn đến cái chết cho nạn nhân, nhưng hành vi đó lại được thực hiện trong hoàn cảnh không có những điều kiện cần thiết để hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả đó chưa xảy ra, thì người có hành vi vẫn phải chịu trách nhiệm Hình sự.
Trong trường hợp này, thuyền trưởng có hành vi ép thuyền viên nhảy xuống biển có dấu hiệu phạm tội Giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Điều 18 BLHS quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Giết người trong giai đoạn phạm tội chưa đạt có bị áp dụng tình tiết tăng nặng “giết nhiều người” hay không?
Chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không nhất thiết phải có nhiều người chết mới là giết nhiều người. Ví dụ: A có mâu thuẫn với gia đình B, nên A có ý định giết cả nhà B. Nhằm lúc gia đình B đang quây quần bên mâm cơm, A rút chốt lựu đạn ném vào chỗ cả nhà B đang ăn cơm, nhưng lựu đạn không nổ. Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp) thì phải có từ hai người chết trở lên mới gọi là giết nhiều người.
Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội giết người chưa đạt?
Khoản 3 Điều 52 BLHS quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Những thành viên khác trên tàu có bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng?
Cấu thành cơ bản tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được Khoản 1 Điều 102 BLHS quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Do đó, chưa cần xét đến việc những người khác trên tàu có điều kiện cứu giúp nạn nhân hay không, nhưng vì hậu quả nạn nhân chết chưa xảy ra nên họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!