Trên địa bàn tỉnh này có 38 cơ sở sử dụng 500 nguồn thiết bị phóng xạ được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép.
Sáng 10-4, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết các cơ quan chức năng, công an tỉnh đang khẩn trương truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc nhưng tới nay cũng chưa có thông tin. “Sau sự việc mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy Pomina 3, tỉnh sẽ rà soát công tác quản lý các nguồn phóng xạ của các cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. TP.HCM đã gắn chip các nguồn phóng xạ di động. Hiện nguồn phóng xạ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rất nhiều. Tỉnh cũng sẽ gắn chip định vị theo dõi đối với các nguồn phóng xạ”.
Liên quan đến việc tìm kiếm nguồn phóng xạ bị lạc, Đại tá Bùi Văn Thảo - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định: “Qua điều tra ban đầu thì khả năng nguồn phóng xạ còn ở trong nhà máy rất cao. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại các điểm thu mua ve chai trên địa bàn tỉnh và tính toán triển khai phương án mở rộng địa bàn tìm kiếm ra các địa bàn các tỉnh lân cận Đồng Nai, TP.HCM. Ngay tại nhà máy, những ngày qua chúng tôi đã tìm kiếm nhưng chưa có thông tin”.
Về thời gian thất lạc, ông Thảo cho hay căn cứ vào lời khai của ông Đào Hữu Hùng (nguyên nhân viên an toàn bức xạ của Nhà máy Pomina 3) thì nguồn phóng xạ đã bị mất từ tháng 11-2014. Sắp tới, CQĐT sẽ tiến hành lấy lời khai một số cá nhân liên quan để làm rõ vụ việc. Trường hợp lời khai của ông Hùng về thời gian mất đúng là tháng 11-2014 thì sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao Nhà máy thép Pomina 3 lại báo cáo thông tin chậm trễ. Từ những chứng cớ thu thập được sẽ xử lý các đơn vị, cá nhân theo quy định của pháp luật.
“Dấu hiệu hình sự của tội chiếm đoạt nguồn phóng xạ là có. Vấn đề trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra định kỳ nguồn phóng xạ (tháng 12-2014 báo cáo kiểm tra trên giấy tờ vẫn còn) chúng tôi cũng sẽ kiểm tra lại.Việc vi phạm các quy định về quản lý phóng xạ sẽ được đánh giá dựa trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được. Từ đó chúng tôi sẽ xem xét có khởi tố vụ án hay không” - Đại tá Thảo cho hay.
Cũng theo ông Thảo, khả năng nguồn phóng xạ được mua bán để sử dụng vào mục đích hại người là rất thấp. “Trong những ngày qua cũng có một số tin báo vật khả nghi nguồn phóng xạ đang tìm kiếm, trong đó có tin báo của anh Trần Văn Toàn - nhân viên nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, chúng tôi đã loại trừ thông tin này. Bởi qua làm việc, thời gian mất nguồn phóng xạ và thời gian anh Toàn nhìn thấy vật khả nghi có sự chênh lệch nhau. Chúng tôi sẽ không đào hố rác lên để tìm nữa. Nếu trong thời gian tới không tìm được nguồn phóng xạ thì các cơ quan sẽ họp lại để lên phương án tìm kiếm lâu dài” - Đại tá Thảo nói.
Liên quan đến việc kiểm tra định kỳ nguồn phóng xạ, ông Nguyễn Kim Trường - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lý giải: “Tháng 12-2014, Sở kiểm tra định kỳ các nguồn phóng xạ tại Nhà máy thép Pomina 3. Theo đúng quy định, chúng tôi kiểm tra trên giấy tờ, sổ sách và báo cáo của nhà máy. Chúng tôi cũng xuống thực tế dây chuyền đúc thép nơi các nguồn phóng xạ đang hoạt động để đo liều suất. Về nguyên tắc khi dây chuyền đang hoạt động rất nóng. Chúng tôi tiến hành đo các nguồn phía ngoài và ghi nhận liều suất vẫn ổn định. Khi đó ông Hùng cũng có ký vào biên bản rằng tất cả các nguồn còn hoạt động tốt, không thông báo việc một nguồn gặp sự cố”. Ông Trường cũng khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng quy trình”.
Cũng theo ông Trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 38 cơ sở sử dụng 500 nguồn thiết bị phóng xạ được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép.
TRÙNG KHÁNH
Trích nguồn:http://phapluattp.vn