Dùng bằng giả của ĐH Đông Đô sẽ bị xử lý sao?

Dùng bằng giả của ĐH Đông Đô sẽ bị xử lý sao?

Dùng bằng giả của ĐH Đông Đô sẽ bị xử lý sao?

(PL)- Chuyên gia cho rằng những người biết rõ và cố tình sử dụng bằng giả do ĐH Đông Đô cấp chỉ bị xử phạt hành chính, khó cấu thành tội hình sự. 

Ngày 26-11, liên quan đến vụ án Trường Đại học (ĐH) Đông Đô cấp văn bằng hai tiếng Anh giả, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết đến nay bộ vẫn chưa nhận được kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. 

Tuy vậy, ông Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị đào tạo phối hợp với công an để cùng rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau ĐH làm căn cứ xử lý.

Dùng bằng giả của ĐH Đông Đô sẽ bị xử lý sao? - ảnh 1
Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường ĐH Đông Đô. Ảnh: BCA

Khó "dính" hình sự

Cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ phân công các bộ phận liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền về những trường hợp đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô.

Ông Sơn nhấn mạnh cơ quan này sẽ có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT nếu có sai sót, vi phạm liên quan đến việc Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả.

Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm là những người sử dụng bằng giả liên quan đến vụ án này có phải chịu trách nhiệm không.

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, tất cả bằng giả đều phải bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

Vì đây là bằng giả nên đối với người không biết, họ ghi danh học và được cấp bằng rồi dùng vào việc bổ túc hồ sơ cá nhân sẽ không có giá trị pháp lý. Do đó, tùy trường hợp cụ thể và quy định của cơ quan có thể cho những người này bổ sung bằng ngoại ngữ sau (nếu còn thời hạn) hoặc hủy kết quả công nhận. Những người này cũng có quyền yêu cầu Trường ĐH Đông Đô bồi thường các thiệt hại do trường này không được cấp bằng nhưng vẫn tuyển sinh.

Đối với người biết rõ đây là học giả/bằng giả thì căn cứ theo Điều 341 BLHS (tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức) để xét trách nhiệm. 

Theo đó, người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến hai năm tù. Hành vi sử dụng giấy tờ giả chỉ cấu thành tội phạm khi “để thực hiện hành vi trái pháp luật”. 

Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu là chủ thể dùng bằng giả đó để thực hiện hành vi phạm tội như dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức. Do đó, với những người biết rõ là học giả/bằng giả dùng để bổ túc hồ sơ làm việc (nâng bậc lương, lên chức...), học tập (nâng cao bằng cấp...) mà không sử dụng vào việc thực hiện hành vi trái pháp luật thì không phạm tội theo Điều 341 BLHS nói trên.

Biết bằng giả nhưng vẫn dùng: bị phạt hành chính

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM, nếu người học và được cấp văn bằng nhưng không biết là giả thì không phải do lỗi của họ. Việc dùng văn bằng này không phải là hành vi sử dụng văn bằng giả theo Nghị định 138/2013. Do chưa được cho phép của Bộ GD&ĐT nhưng ĐH Đông Đô vẫn đào tạo hệ văn bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh là không đúng nên các bằng này không có giá trị pháp lý. 

Đối với những cá nhân biết rõ rằng việc học giả/bằng giả nhưng vẫn học và vẫn dùng bằng đó để bổ túc hồ sơ cá nhân thì sẽ bị xử phạt hành chính. Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 138/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục) thì người nào có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến dưới 20 triệu đồng (có thể bị xử phạt bổ sung là tịch thu văn bằng, chứng chỉ giả).

LS Lê Quang Vũ, Đoàn LS TP.HCM, bổ sung nếu người sử dụng bằng giả công chức, viên chức thì có thể bị xử phạt hành chính, bị thu hồi văn bằng, cách chức, buộc thôi việc theo Điều 13, 18, 19 Nghị định 112/2020 của Chính phủ và Điều 22 Quyết định 33/2007 của Bộ GD&ĐT.

LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM thì cho rằng đối với 23 người có tham gia học tập nhưng do Trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo nên bằng tốt nghiệp mà họ được cấp không có giá trị. Những người này là bị hại trong vụ án, bởi họ tin tưởng vào nhà trường đưa ra những thông tin giới thiệu khi tuyển sinh đầu vào nên họ đóng tiền và tham gia học. Những người này có quyền yêu cầu Trường ĐH Đông Đô và những cá nhân liên quan bồi thường thiệt hại, bao gồm tiền học phí đã nộp và những thiệt hại thực tế (nếu có).

626 người có bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh giả

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội).

10 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh trên, trong đó có Dương Văn Hòa (cựu hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (cựu phó hiệu trưởng), Lê Ngọc Hà (phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên)…

Theo kết luận điều tra, dù chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh.

Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh văn bằng hai cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp.

Cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý những người đã sử dụng bằng, còn các trường hợp chưa sử dụng thì đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định hủy bỏ, thu hồi.

Đáng chú ý, kết luận điều tra chỉ ra một nghịch lý, đó là việc Trường ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng hai, thế nhưng từ năm 2015, trường này lại được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng hai chính quy. 

Cụ thể, tháng 1-2015, ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT, báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng hai. Tuy nhiên, tháng 4-2015, Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng hai. 

Tương tự, năm 2016 và 2017, trường có công văn gửi Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký mỗi năm học 150 chỉ tiêu văn bằng hai đều được bộ này chấp thuận. 

Đến năm 2018, trường gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục ĐH và được đăng tải lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nội dung đề án tuyển sinh có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng hai chính quy. 

Theo cơ quan điều tra, Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục ĐH thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh (gồm chỉ tiêu văn bằng hai) trên cổng thông tin tuyển sinh cho Trường ĐH Đông Đô trong khi trường này chưa được cho phép đào tạo có dấu hiệu vi phạm Quyết định số 22/2001 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. 

Việc này cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do đã hết thời hạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra quyết định tách ra để xem xét, xử lý sau. 

 

NGÂN NGA - HÀ PHƯỢNG

Nguồn: PLO

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right