Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam gặp báo chí ngày 11-9
Việc thu tiền tác quyền âm nhạc này từng vấp phải phản ứng của dư luận. Cuối tháng 5, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cùng Cục Bản quyền tác giả có buổi làm việc. VCPMC tạm dừng thu tiền.
Giữa tháng 8, hai bên lại có cuộc họp. Đến ngày 11-9 thì VCPMC ra thông cáo báo chí sẽ lập lại việc thu tiền tác quyền âm nhạc. “Tiếp tục thu tiền tác quyền âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua ti-vi tại phòng lưu trú khách sạn…”.
Thu tiền là đúng hay sai?
Rất nhiều ý kiến phản đối việc thu tiền tác quyền âm nhạc 25.000 đồng/ti vi/năm của các khách sạn.
“Người ta vào khách sạn đâu phải để xem ti vi! Giả sử có xem mà chỉ xem toàn đá bóng. Thế thì tại sao lại có chuyện thu tiền bản quyền âm nhạc!”.
“Chuyện vô lý như vầy mà vẫn chịu sao? Đã đóng tiền truyền hình cáp hàng tháng rồi mà. Tại sao phải trả thêm tiền bản quyền âm nhạc. Nếu muốn thu sao không thu tiền của ông truyền hình cáp mà đi thu khách sạn?”.
“Sau này mỗi nhà có ti vi cũng bị thu thêm 25k tiền tác quyền à?”.
Dư luận bức xúc trước việc thu 25.000 đồng/ti vi/năm của các khách sạn. Thế nhưng việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi chỉ dừng lại khoảng ba tháng qua. Việc khẳng định sẽ tiếp tục thu tiền, có phải là vô lý?
Theo một báo cáo của VCPMC, năm 2016, riêng Chi nhánh phía Nam của Trung tâm này đã kiếm được trên 3,5 tỉ đồng tiền tác quyền thu được từ lĩnh vực khách sạn, resort, cao ốc. Con số này tăng 15% so với 2015. Những khách sạn nào đã nộp tiền mà không phản đối? Đó là 277 đơn vị tại TP.HCM. Thê, 102 đơn vị ở Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Vũng Tàu, Cần Thơ… Riêng Đà Nẵng, có 10 khách sạn đã nộp khoản tiền này.
Việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi đã diễn ra từ lâu. Mãi đến tháng 5-2016 thì mới bị phản ứng khi triển khai thu rộng hơn tại Đà Nẵng.
Căn cứ vào điều gì?
Netluat.vn làm rõ cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền là có đúng hay không. Căn cứ vào điều khoản nào.
Trước đó, Cục Bản quyền tác giả cho rằng việc thu tiền quyền tác giả tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng ti vi là đúng. Căn cứ pháp lý nêu ra là điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều 33 về Các trường hợp “sử dụng quyền liên quan” không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Trong đó “Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng”. Còn có “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại”.
Tuy nhiên, VCPMC thu tiền “quyền tác giả” dựa vào điều 33 có thể sẽ phản tác dụng. Bởi lẽ điều 33 nói về “quyền liên quan”.
Với căn cứ pháp lý không chính xác mà đi thu tiền, có thể gọi là… thu nhầm tiền, VCPMC có thể bị các khách sạn kiện vì thu tiền không đúng pháp luật. Các khách sạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc thu tiền của VCPMC.
Thay vào đó, VCPMC đã viện dẫn Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong văn bản phát đi ngày 11-9, VCPMC khẳng định áp dụng điều 20.
Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ nói gì?
Điều 20 về Quyền tài sản có quy định bao gồm các quyền sau đây:… Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;… Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến,…”.
Điều 20 cho phép “tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện” quyền của mình. Tổ chức, cá nhân… phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác…
VCPMC cũng viện dẫn Điều 23 Nghị định số 100/2006. Theo đó “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
Theo VCPMC “Đại đa số các kênh truyền hình Việt Nam đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với Trung tâm. Hàng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để Trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả”.
“VCPMC căn cứ vào hình thức và tần suất sử dụng tác phẩm để tính mức thù lao trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đối với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của VCPMC trong các chương trình truyền hình của các kênh truyền hình được phát thông qua thiết bị truyền tải TV tại phòng lưu trú của khách sạn là có cơ sở pháp lý và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Vào khách sạn tuy dùng điện thoại lướt web, không xem ti vi, không nghe ca nhạc, vẫn phải trả tiền tác quyền âm nhạc trong tiền phòng
Dù căn cứ nào thì khách sạn đều… sai
Việc VCPMC thu tiền đúng hay sai, căn cứ nào, là một câu chuyện khá phức tạp trước bão dư luận. Có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra khi VCPMC thu tiền. Không đơn giản chỉ là tìm một căn cứ pháp lý. Để thu tiền cho đúng, Trung tâm này còn phải tuân thủ rất nhiều quy định khác, về điều lệ hoạt động, về ủy quyền, về mức thu, quy tắc thu chi… mới có thể thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi khách sạn.
Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn việc các khách sạn không xin phép, không trả tiền mà bật ti vi phát đi các chương trình truyền hình có âm nhạc là sai. Bởi lẽ hành vi này rõ ràng xâm phạm quyền tác giả, quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác”.
Nhiều ý kiến cho rằng khách sạn đã trả tiền truyền hình cáp hàng tháng. Tại sao lại còn phải xin phép hay trả tiền quyền tác giả cho các nhạc sĩ?
Câu trả lời đơn giản, tuy hiện nay sẽ khó được công chúng chấp nhận. Đó là trả tiền truyền hình cáp chỉ có giá trị “tại gia đình”. Khách sạn là kinh doanh, không phải gia đình.
Ti vi khách sạn sẽ cõng thêm tiền gì?
Với những phân tích trên, việc khách sạn mở ti vi phát đi các chương trình truyền hình sẽ phải trả tác quyền âm nhạc là đã đủ chưa? Điều lo ngại là sắp tới đây, ngay chính các nhà đài, các đơn vị sản xuất phim, chương trình… sẽ đến khách sạn và đòi thu thêm tiền tác quyền đối với phim, show, tác phẩm điện ảnh… do mình sản xuất! Số tiền đó chắc chắc lớn hơn rất nhiều so với tác quyền âm nhạc 25.000 đồng/ti vi.
Tương tự như việc dùng âm nhạc, việc dùng sách phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng phải trả thêm tiền theo thỏa thuận với tác giả. Ví dụ quán cà phê có sách để thu hút khách đến đọc sách uống cà phê.
Chỉ có một số trường hợp được “miễn trừ” theo Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, khách sạn lại không nằm trong các trường hợp này.
Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
- Trích dẫn hợp lý tác phẩm…
- Biểu diễn tác phẩm sân khấu… trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền…
HẢI LY
Nguồn : NETLUAT.VN