VOV.VN -Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ sẽ diễn ra vào hôm nay (2/12) tại Hà Nội.
Với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ sẽ diễn ra vào ngày mai (2/12) tại Hà Nội. Đây là kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt sau một loạt động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như: Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 15 của Chính phủ về cải cách doanh nghiệp nhà nước; Thông tư 119 về cải cách, đơn giản hóa các thủ tục thuế; đặc biệt, mới đây, Quốc hội vừa thông qua một số luật mới, trong đó, có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi… đã tạo nên sự minh bạch, thuận lợi và niềm tin vào môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trao đổi với phóng viên VOV trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, niềm tin của các doanh nghiệp đang trở lại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn một khoảng cách khá xa trong khu vực.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: “Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý đang là mục tiêu quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp. Chúng ta có ít nhất 5 mũi tiến công để cải thiện môi trường kinh doanh về mặt thể chế, trước hết là cải cách luật pháp; cải cách hành chính; cải cách doanh nghiệp nhà nước; cải cách trong lĩnh vực dịch vụ công theo hướng chuyển dịch vụ công từ các cơ quan nhà nước sang cho các tổ chức xã hội, thị trường và vấn đề tăng cường các thiết chế pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp không chỉ có môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn có môi trường kinh doanh an toàn. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều những kiến nghị trong khuôn khổ định hướng đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề xuất và trong VBF lần này cũng sẽ đề cập đến”.
Diễn đàn doanh nghiệp 2014 dự kiến sẽ nêu lên tiến trình xử lý các vấn đề đã đặt ra, đồng thời đề ra giải pháp, chiến lược trong tình hình mới như các vấn đề xoay quanh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, Cộng đồng kinh tế ASEAN, ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ Việt Nam…
Theo bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014, Việt Nam là một nền kinh tế tương đối nhỏ so với các nước tham gia Hiệp định thương mại. Các hiệp định này sẽ mang lại rất nhiều cơ hội lớn, nhưng cũng có rất nhiều thách thức nếu Việt Nam không có quá trình chuẩn bị tốt.
Bà Virginia Foote nói: “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 sẽ đưa ra những khuyến nghị từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho Chính phủ, để giúp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội mà các Hiệp định thương mại mới đem lại. Diễn đàn đã thiết kế những khuyến nghị rất tập trung và nhắm vào những lĩnh vực mà chúng tôi cho rằng cần phải cải thiện nhiều nhất như là: cải cách môi trường đầu tư, cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, cải cách thủ tục hành chính; cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng suất lao động”.
Sáu nội dung chính dự kiến sẽ được thảo luận tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam gồm: các vấn đề về nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước); vấn đề về lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề đặt ra khi tham gia các hiệp định thương mại./.