Đảm bảo tính độc lập cho hệ thống Tòa án

Đảm bảo tính độc lập cho hệ thống Tòa án

Đảm bảo tính độc lập cho hệ thống Tòa án

(PLO) - Nhằm đảm bảo các điều kiện để Tòa án tập trung tối đa cho công tác xét xử, Việt Nam đang nghiên cứu mô hình tổ chức Hội đồng Tư pháp quốc gia.
Để có được những thông tin thiết thực trong quá trình nghiên cứu, ngày 4/12 Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc.
Nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên thế giới, qua nghiên cứu cho thấy tính đến năm 2009 có 121 quốc gia có chế định Hội đồng Tư pháp, trong đó có 93 quốc gia quy định Hội đồng Tư pháp trong Hiến pháp. Tên gọi, vai trò, mô hình tổ chức của Hội đồng Tư pháp tại các nước có khác nhau, song chức năng cơ bản của thiết chế này là bảo đảm sự độc lập và tính chịu trách nhiệm của tư pháp hiểu theo nghĩa là hoạt động xét xử của Tòa án bởi ở đa số các nước, Tòa án không tổ chức và quản lý giống như cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Nói về kinh nghiệm của Nhật Bản, chuyên gia đến từ Tổ chức JICA - ông Furusho Jun cho biết, Tòa án Tối cao của Nhật Bản quản lý toàn bộ hệ thống Tòa án một cách độc lập, không có sự can thiệp của nhánh lập pháp hoặc hành pháp.
Cùng với đó, Nhật Bản có Hội đồng tham mưu bổ nhiệm thẩm phán, thành viên rất rộng rãi gồm 5 thẩm phán, các luật sư khu vực tư nhân và giáo sư các trường đại học vốn là những chuyên gia pháp lý. Hội đồng này có 2 nhiệm vụ quan trọng là đề cử ứng viên bổ nhiệm thẩm phán và xem xét gia hạn kỳ hạn cho các thẩm phán.
Để hoàn thành nhiệm vụ đề cử, Hội đồng thu thập thông tin ứng viên thẩm phán đang theo học 1 năm tại Viện Tư pháp và với nhiệm vụ xem xét gia hạn, Hội đồng thu thập thông tin tại các địa phương, các đoàn luật sư. Ngoài ra, Nhật Bản tổ chức cả Hội đồng xử lý kỷ luật đối với thẩm phán và Hội đồng xử lý kỷ luật đối với công tố viên.
Cách quản lý Tòa án liên bang của Hoa Kỳ cũng khá “lạ” với 3 thiết chế liên quan là Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý hành chính các tòa án Hoa Kỳ và Hội đồng Tư pháp. trong đó, Hội đồng Tư pháp là một thiết chế chịu trách nhiệm về việc ra các lệnh cần thiết và phù hợp để quản lý tư pháp một cách đơn giản và hiệu quả.
Các nhiệm vụ của Hội đồng Tư pháp bao gồm việc đảm bảo kỷ luật hành chính trong các tòa án trực thuộc, xây dựng chính sách xét xử đối với địa bàn thẩm quyền của tòa án và thi hành các chính sách do Hội nghị Tư pháp Hoa Kỳ ban hành.
Hội đồng Tư pháp chịu trách nhiệm trình báo cáo hoạt động hàng năm cho Cơ quan quản lý hành chính các tòa án liên bang Hoa Kỳ về số lượng và tính chất các mệnh lệnh đã được ban hành trong năm liên quan tới các hành vi sai trái trong hoạt động của tòa án liên bang trong khu vực thẩm quyền.
Mô hình nào cho Việt Nam?
Còn ở nước ta, cách thức quản lý TAND địa phương hiện nay chưa tạo điều kiện cho các Tòa án tập trung vào nhiệm vụ chính là xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp 2013, làm cho tòa án tương tự như một bộ, một ngành trong hệ thống cơ quan hành chính. TANDTC quản lý đội ngũ cán bộ trên 15 nghìn người, thực hiện thường xuyên các chính sách cán bộ như đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật..., quản lý cơ sở vật chất của TAND các cấp. Vì vậy, cần thành lập một tổ chức có chức năng riêng biệt nhằm bảo đảm các điều kiện hoạt động để Tòa án tập trung tối đa cho xét xử.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tổ chức đó có thể gọi là Hội đồng Tư pháp quốc gia. Hội đồng có các nhiệm vụ như định kỳ đánh giá thẩm phán, tổ chức thi tuyển, đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và điều động thẩm phán; bảo đảm các điều kiện về vật chất, tài chính cho các tòa án; bảo đảm chế độ chính sách tiền lương cho thẩm phán; tham gia xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến công tác cán bộ, cơ sở vật chất cho TAND...
Mô hình tổ chức Hội đồng có thể thiết kế gồm Chủ tịch Hội đồng là Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện một số cơ quan, tổ chức cùng một số thẩm phán đại diện cho TAND cấp tỉnh trở lên, một số chuyên gia pháp luật.
GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị, nên chăng thành lập Tổng cục quản lý tòa án, độc lập với hệ thống tổ chức tòa án theo cấp xét xử. Người đứng đầu cơ quan này do Chánh TANDTC bổ nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Tổng cục có nhiệm vụ dự toán kinh phí cho hoạt động của tòa án sau khi thống nhất với Chánh án TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC; nghiên cứu tổ chức và hoạt động của các tòa án; chăm lo việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy tòa án các cấp.
Thục Quyên

Trích nguồn:http://baophapluat.vn

Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right