Theo dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, để tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề công chứng thì cần chuyển hết các phòng công chứng nhà nước thành văn phòng công chứng tư. Tại hội thảo góp ý cho dự án do Hội Công chứng TP.HCM tổ chức vào chiều qua (4-3), bà Phan Thị Bình Thuận, Trưởng phòng Công chứng số 1, cho rằng quy định như vậy là cần thiết. “Các phòng công chứng hiện nay sở hữu đội ngũ nhân lực tốt, có kinh nghiệm và người dân tin cậy giống như những giá trị vô hình. Nếu chuyển sang tư thì sẽ tận dụng được các yếu tố này và tạo sự bình đẳng với công chứng tư. Tất nhiên, cần phải tính toán các vấn đề như trụ sở, biên chế, các khoản phí mà phòng công chứng vẫn đóng góp cho ngân sách nhà nước…” - bà Thuận nói.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM Phan Văn Cheo lại cho rằng nên để tồn tại song song hai mô hình như hiện nay. Nếu có chuyển thì cũng không nên chuyển hết mà chỉ ở những địa phương nào phù hợp và do UBND cấp tỉnh quyết định.
Một vấn đề khác dự thảo đưa ra là công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch trong hồ sơ công chứng. Bà Ngô Minh Hồng - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, công chứng viên - nói luật nên quy định công chứng viên chỉ là người kiểm tra tính hợp pháp của giấy tờ sau khi đã được dịch ra tiếng Việt. “Không phải ai cũng biết nhiều ngoại ngữ mà chính người ký vào bản dịch đó phải chịu trách nhiệm về nội dung dịch của mình là đúng hay sai” - bà Hồng nói.
Về việc có nên cho phép chuyển nhượng các văn phòng công chứng tư hay không, ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng Văn phòng Công chứng quận 10, nói đây là xu hướng tất yếu. Theo ông Thắng, hiện chúng ta coi văn phòng công chứng tư là một sản nghiệp thì việc mua bán nó là đương nhiên.
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Chính nói chỉ nên chuyển nhượng văn phòng công chứng hoạt động dưới loại hình là doanh nghiệp tư nhân, còn công ty hợp danh thì không được do bị vênh với Luật Doanh nghiệp.
THANH TÙNG