Chuyện “cụ mai thần” 300 năm tuổi bên ngôi đình cổ xứ dừa

Chuyện “cụ mai thần” 300 năm tuổi bên ngôi đình cổ xứ dừa

Chuyện “cụ mai thần” 300 năm tuổi bên ngôi đình cổ xứ dừa

Cây bạch mai được công nhận cây di sản quốc gia
(PLO) - Hàng trăm năm nay, đều đặn mỗi mùa xuân, “cụ” bạch mai ở đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) lại trổ hoa trong dịp cúng đình. Nhiều người tin rằng, hoa của “cụ” bạch mai 300 năm tuổi này có thể trị bệnh, ướp trà uống còn được may mắn cả năm.
“Cụ” bạch mai kỳ lạ
Theo những người cố cựu ở ấp Phú Tự, cây bạch mai được trồng khi những người dân đầu tiên tìm đến đây khai hoang, lập ấp cách đây hơn 300 năm. Đây là cây mai “độc nhất vô nhị” ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó, vùng đất này hoang sơ, những tiền nhân đi mở cõi trồng cây bạch mai ở gò đất cao để đánh dấu cột mốc của công cuộc khai phá. Sau đó hàng trăm năm, người ta mới lập đình ngay khu đất cao có sẵn cây bạch mai cho tới ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Bồn, 85 tuổi, trông giữ đình Phú Tự cho biết: “Nghe ông cha kể lại rằng cây bạch mai có từ rất lâu đời, rồi sau đó dân làng mới xây dựng đình. Lúc đầu cây bạch mai nằm ở bên hông đình, sau đó trùng tu, sửa chữa lại thì nằm ngay cửa chính của đình”.
Từ xưa, đình Phú Tự nổi tiếng vì gắn với cây bạch mai cổ thụ là nhân chứng cho sự hình thành, phát triển của vùng đất Bến Tre. Ngôi đình được xây dựng từ năm nào vẫn chưa xác định rõ, nhưng được Vua Minh Mạng sắc phong vào năm 1824. Ban đầu đình chỉ là ngôi nhà bằng tre lá đơn sơ được những lưu dân mới đến khai cơ lập địa xây dựng để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu cho mưa thuận gió hòa. Sau đó ông Trần Văn Cương, một cư dân giàu có của làng đã tự nguyện hiến đất, nên đình được xây dựng to lớn hơn với diện tích gần 1 ha.
Đình được xây theo kiểu chữ Tam, các gian đình cất theo kiểu tứ trụ (4 cột cái giữa các gian làm cao lên), mái liền kề nhau, lợp ngói âm dương. Các gian tứ trụ trang trí lưỡng long chầu nguyệt, bát tiên… Cột, kèo làm bằng gỗ căm xe và gỗ đỏ. Đặc biệt, đình Phú Tự có thờ linh vị của Quốc Tổ Hùng Vương; phía sau thờ tiền hiền, hậu hiền. Trước sân đình, ngoài bàn thờ Thần Nông (còn gọi là Đàn xã tắc) và bàn thờ Sơn Quân (ông Hổ) còn có Đài liệt sĩ để tưởng nhớ 278 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong bảo vệ biên giới Tây Nam.
Cây bạch mai bên ngôi đình cổ sống trên 300 năm tuổi rất quý hiếm, nên người dân xung quanh muốn chiết nhánh về trồng nhằm bảo tồn; tuy nhiên mong muốn này đều không thực hiện được. Trải qua bao biến cố lịch sử, từng trúng bom đạn, bị mối xâm thực nhưng “cụ” vẫn sống và đẻ ra nhiều nhánh con tươi tốt ở xung quanh.
Năm 1968, một trận công đồn lớn nổ ra ngay gần đó làm khu vực quanh đình Phú Tự dính 3 quả bom xăng, ngay vị trí cây bạch mai cũng bị 1 quả bom xăng nhưng chỉ làm cháy xém một phần thân, sau đó cây vẫn phát triển bình thường.
Theo những người dân cố cựu ở đây, cây bạch mai này trước đây trổ hoa đúng ngày 30 tháng Chạp và đặc biệt trong mấy ngày Tết Nguyên đán cây ra đầy hoa, nên dân làng đến bẻ nhánh về chưng Tết. Vì vậy, mỗi năm cứ đến tết cây bạch mai này lại trụi lá, còi cọc vì ai cũng muốn đem về nhà chưng Tết để lấy lộc đầu năm.
Sợ “cụ” bạch mai sẽ chết vì quá nhiều người bẻ nhánh, nên những người trông coi đình tiến hành lập hương án “cầu xin cụ” trổ nghịch mùa để dân làng khỏi bẻ nhánh. Sau mấy ngày lập hương án cầu xin thì qua năm sau “cụ” bạch mai không còn trổ đúng ngay dịp Tết nữa. Cứ vào ngày rằm tháng giêng, cây bạch mai mới bắt đầu trổ hoa và kéo dài cho tới tháng ba. Từ đó trở đi, “cụ” bạch mai được giữ nguyên vẹn cành lá cho tới nay vì không ai tới bẻ về chưng Tết.

Gia đình ông Bồn mấy thế hệ đều cai quản, chăm sóc
cây bạch mai quý hiếm

Trở thành cây di sản
Hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh Bến Tre, “cụ” mai đã đi vào đời sống tinh thần của những người yêu thích văn thơ vùng sông nước miền Tây. Từ năm 1994, nhóm thơ Bạch Mai thi hội ra đời, văn bia “Bạch Mai bi ký” cũng được lập vào năm 2000 bên cạnh gốc bạch mai. Từ năm 2001, hàng năm vào rằm tháng giêng, Hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” ở sân đình Phú Tự, dưới gốc mai già.
Đầu năm 2014, cây bạch mai được Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận là cây di sản quốc gia. Theo hồ sơ bảo tồn, cây nguyên thủy có chiều cao khoảng 14m, tán lá rộng chiếm diện tích khoảng 200m2. Hiện thân cây chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra chín nhánh có chiều cao khoảng trên 4m với tán lá chiếm diện tích chừng trên 40m2.
Sau khi được công nhận là cây di sản quốc gia, cây bạch mai được bảo vệ cẩn thận. Người dân từ khắp nơi đến tham quan giống cây quý hiếm của vùng đất Bến Tre. Hiện tại, xung quanh cây bạch mai được làm hàng rào bao bọc xung quanh, một số cây con tiếp tục mọc lên từ rễ và ra hoa thơm ngát cả vùng. Người dân đến đây không chỉ tận mắt nhìn cây di sản quốc gia quý hiếm, mà còn tận hưởng hương thơm thoang thoảng trong mùa ra hoa. Hầu như nhánh nào cũng ra hoa trắng xóa cả thân cây rất đẹp mắt.
“Phát lộc” cho dân làng và “trị bệnh cứu người”
Đến đình Phú Tự những ngày sau Tết, mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi xung quanh gốc “cụ” bạch mai đều được lót bạc lưới để hứng hoa mai. Mỗi ngày có từ 3- 4 người đến đây làm nhiệm vụ thu lượm hoa mai rơi để phơi khô dành phân phát cho dân làng.
Ông Đoàn Công Mười, trông giữ đình cho biết: “Năm nào cũng vậy cây bạch mai đều cho mấy chục ký hoa, để tới ngày 16 tháng 3 Âm lịch ngay dịp cúng đình sẽ phân phát cho dân làng đem về làm thuốc trị bệnh. Mỗi năm tùy vào sản lượng sẽ phân phát cho dân làng nhiều hay ít, nhưng trung bình từ 600 đến 700 phần được gói cẩn thận trong túi ni lông đáp ứng nhu cầu lấy lộc đầu năm của bà con”. Theo ông Mười, việc phân phát hoa mai khô cho dân đã diễn ra mấy chục năm nay và năm nào dân làng cũng háo hức đợi tới ngày lễ để xin lộc “cụ” bạch mai.
Bà Nguyễn Thị Lâu, ở gần đình Phú Tự ngày nào cũng đến thu lượm hoa mai để phơi khô. Bà Lâu quả quyết: “Hoa mai này trị bệnh phụ nữ rất tốt, đem về chỉ cần ướp pha với nước nóng như pha trà uống rất mát. Nếu người nào bị bệnh tiêu chảy uống rượu ngâm với hoa mai này là đảm bảo hết liền”.

Bà Lâu đang lượm hoa mai rơi quanh gốc

Theo bà Lâu, từ xưa đến nay người dân quanh vùng đều đến đây thu lượm hoa đem về uống trị bệnh. Gần đây nhiều người ở gần đình đã tình nguyện đến gốc mai thu lượm hoa vào buổi sáng để giao cho những người cai quản đình phơi khô, bảo quản đợi tới ngày cùng đình sẽ phân phát cho dân làng. Mỗi đêm “cụ” bạch mai có thể “cho” đến vài ký hoa tươi và được người dân thu lượm, bảo quản cẩn thận.
Ngày nào cũng vậy ông Nguyễn Văn Bồn đều đến đình Phú Tự để trông coi việc phơi, bảo quản hoa. Những mùa cây bạch mai không trổ hoa thì ông cũng tới lui coi sóc vì chính “lão” mai này đã gắn bó với gia đình ông qua nhiều thế hệ qua. Ông Bồn cho biết: “Chuyện trị bệnh tôi không biết sao, chứ nấu nước sôi pha với hoa mai uống có mùi thơm rất lạ. Vì vậy, mỗi dịp tới cúng đình dân làng đều xin một ít về nếu không làm thuốc trị bệnh thì cũng pha trà uống để hưởng được may mắn mà “cụ” bạch mai ban tặng”.
Chuyện “cụ” bạch mai 300 năm tuổi ra hoa, để giúp dân làng trị bệnh vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn tin rằng chính nhờ “lộc” của “cụ” bạch mai này mà xóm làng được yên vui, làm ăn khấm khá. Vì vậy, dịp lễ Kỳ Yên vào giữa tháng 3 âm lịch là dịp để mọi người tề tựu về đình xem hát bội, vui chơi giải trí và không quên xin “lộc” của “cụ” bạch mai đem về nhà để được may mắn suốt cả năm.
Vị Thùy
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right