Mô hình đăng ký khai sinh “3 trong 1” sẽ triển khai từ tháng 9/2014
(PLO) - Xuất phát từ những tác động tích cực của mô hình đăng ký khai sinh “3 trong 1” tại một số địa phương, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng Đề án và chính thức vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành có liên quan phải ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông nhằm triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc bắt đầu từ tháng 9/2014.
Hiệu quả liên thông được kiểm nghiệm từ thực tiễn
Địa phương khởi nguồn áp dụng thí điểm mô hình liên thông đăng ký khai sinh – nhập hộ khẩu - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi là huyện Bến Lức, tỉnh Long An từ những năm 2007 – 2008 rồi dần lan tỏa đến Đồng Tháp, TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), TP.HCM, Tiền Giang và Bình Thuận.
Việc thực hiện mô hình một cửa liên thông “3 trong 1” tại các tỉnh, thành trên đều có sự tương thích, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mang lại nhiều tác động tích cực trong việc thực hiện TTHC, tạo thuận lợi cho công dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực.
Bộ Tư pháp đánh giá, mỗi địa phương khi triển khai áp dụng theo mô hình một cửa liên thông “3 trong 1” đã rút ngắn thời gian giải quyết một số TTHC, tại một nơi thực hiện được hai hoặc ba loại thủ tục mà trước đây người dân phải mất hai hoặc ba lần đi lại và nhiều thời gian hơn để thực hiện; tạo bước chuyển biến trong quản lý tình hình dân cư trên địa bàn, khắc phục tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ BHYT và có thể coi đây là bước đi đầu tiên trong việc bảo đảm thống nhất quản lý dân cư...
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy do chưa được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc nên quy trình, cách thức thực hiện ở mỗi địa phương có sự khác nhau, thiếu sự thống nhất và chỉ có một bộ phận nhỏ người dân được hưởng lợi ích từ việc tổ chức mô hình liên thông này, tạo nên sự bất bình đẳng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân giữa các địa phương. Ngoài ra, ngoại trừ mô hình ở TP.HCM, các địa phương chưa rút ngắn được thời gian thực hiện, thậm chí có nơi còn kéo dài do việc luân chuyển hồ sơ chậm...
Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Đề án thực hiện liên thông các TTHC đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 4/8/2014 để triển khai trong cả nước.
Với bước đột phá trong cải cách TTHC này, Đề án giúp đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục; giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các TTHC liên quan tới trẻ em dưới 6 tuổi; nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước; bảo đảm chính xác thông tin cá nhân, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, BHYT.
Triển khai toàn quốc, tiết kiệm gần 140 tỷ đồng/năm
Quyết định 1299 nêu rõ, người có yêu cầu thực hiện liên thông các TTHC gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã. Nói cách khác, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC được thực hiện liên thông. Áp dụng nguyên tắc kế thừa kết quả giải quyết TTHC nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho người dân trong việc chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ.
Thời hạn giải quyết liên thông các TTHC gồm đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 15 ngày làm việc; liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tối đa không quá 20 ngày làm việc. Trường hợp phải hoàn thiện lại hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan Công an, Bảo hiểm xã hội thì thời gian giải quyết được kéo dài không quá 2 ngày làm việc. Nếu có nhu cầu nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính, người dân đăng ký với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã và khi nhận kết quả tại nhà, người dân sẽ tự nộp cước phí cho cơ quan bưu chính.
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, mô hình một cửa liên thông này được thực hiện trên phạm vi toàn quốc giúp người dân cắt giảm chi phí lên tới gần 140 tỷ đồng từ việc giảm số lần đi lại cơ quan hành chính và từ việc không phải nộp bản sao Giấy khai sinh. Hơn nữa, đồng thời sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ của địa phương khi nghiên cứu, học tập, xây dựng và áp dụng cơ chế liên thông vào khoảng 200 triệu đồng từ ngân sách nhà nước. Như vậy, tổng lợi ích khi thực hiện liên thông các TTHC theo Đề án sẽ là xấp xỉ 152 tỷ đồng cho năm đầu tiên thực hiện và các năm tiếp theo là khoảng 140 tỷ đồng.
Bên cạnh những lợi ích cụ thể về chi phí, khi áp dụng liên thông giải quyết TTHC cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ giúp người dân không phải đi tới nhiều cơ quan quản lý và phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ khác nhau để thực hiện TTHC, người dân chỉ cần cung cấp các giấy tờ cần thiết tại UBND nơi cư trú để thực hiện đồng thời các TTHC.
Về phía cơ quan quản lý, việc tổ chức liên thông sẽ tạo nên những chuyển biến trong công tác quản lý dân cư, đặc biệt sự liên thông trong việc quản lý dân cư giữa cơ quan đăng ký hộ tịch và cơ quan đăng ký thường trú chính là bước đi đầu tiên trong việc bảo đảm thống nhất quản lý dân cư. Hơn nữa, việc người dân chỉ phải tới một cơ quan quản lý để thực hiện TTHC và chỉ gặp một cán bộ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn của một số cán bộ, công chức.