VOV.VN -Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.
Ngày 30 và sáng 31/7 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 7 và 7 tháng đầu năm nay, đồng thời phân tích, dự báo, đề xuất và thống nhất quan điểm, biện pháp chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm. Chính phủ cũng đã nhất trí nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế, thống nhất nhiều giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7
Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, đúng hướng. Trước hết là lạm phát tháng 7 kiểm soát ở mức 1,62%, là mức tăng thấp nhất trong 13 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng qua tăng hơn 14 % so với cùng kỳ năm ngoái với con số 84 tỷ USD, đạt trên 60% kế hoạch của cả năm, đồng thời Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 1,26 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Quan hệ thương mại với Trung Quốc diễn biến bình thường và còn tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm nay cũng tăng 6,2%, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các lĩnh vực khác như sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, an sinh xã hội, an toàn giao thông cũng đạt nhiều kết quả tích cực…
Các thành viên Chính phủ tập trung phân tích một số vấn đề nổi lên ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn cao; tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nêu vấn đề thất thu thuế do tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng: “Đối với thuốc lá điếu hiện nay, tình hình buôn lậu qua biên giới, nhất là khu vực phía Nam gia tăng rất nhiều. Ngành thuốc lá tính ra thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng tiền thuế…”.
Các thành viên Chính phủ bày tỏ đồng tình với các giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ lần này nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế liên quan đến đảm bảo nguồn vốn đối ứng để giải ngân nhanh nguồn vốn ODA, đảm bảo nguồn cung cho chỉ tiêu xuất khẩu gạo, tháo gỡ khăn về thủ tục để phát triển nhà ở xã hội...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị: “Nhà ở xã hội hiện nay đang thiếu rất nhiều, nhu cầu rất lớn và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất. Đây cũng là một kênh đầu tư mà lĩnh vực này cầu rất lớn. Vấn đề khó thứ nhất là thủ tục triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội thuộc chính quyền các địa phương. Đề nghị các địa phương, nhất là Hà Nội và TP HCM có nhu cầu nhà ở xã hội lớn nhất tiếp tục tạo điều kiện để triển khai nhanh các thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Thứ hai là giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Thủ tướng, Chính phủ đã đồng ý ra Nghị quyết để sửa Nghị quyết 02 hỗ trợ để giải ngân nhanh gói này góp phần tăng tổng đầu tư xã hội nhưng tôi đề nghị Ngân hàng nhà nước cần có chỉ đạo quyết liệt vì các ngân hàng thương mại cho vay rẻ cũng không mặn mà…”.
Đồng tình với các đánh giá, phân tích, nhận định và các đề xuất của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: tình hình KTXH 7 tháng qua tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, tuy nhiên nổi lên, nếu Chính phủ và từng bộ, ngành, địa phương không nỗ lực, không tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong cả năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chính phủ quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ nào đã đề ra từ đầu năm mà cùng nỗ lực phấn đấu bằng các giải pháp đồng bộ để thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong cả năm nay. Đề nghị các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng quyết liệt đôn đốc triển khai thực hiện…”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Công thương rà soát và chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ trên các lĩnh vực còn nhiều dự địa phát triển. Thủ tướng nêu rõ, muốn tăng tổng cầu của nền kinh tế thì phải tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ phát hành, giải ngân và quyết toán nguồn vốn đầu tư công gắn với đảm bảo vốn đối ứng để triển khai các dự án ODA, bằng các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích thu hút dự tham gia đầu tư của xã hội. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành quyết liệt và cụ thể các chính sách và công cụ nhằm tăng dư nợ tín dụng, giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kiên quyết tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Thủ tướng khẳng định: sau phiên họp Chính phủ lần này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó, vướng mắc liên quan đến gia hạn nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, quản lý thu thuế. Chính phủ cũng sẽ báo cáo trình Quốc hội nhiều biện pháp liên quan đến thuế để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành địa, phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao và cụ thể công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai; thuế và hải quan với mục tiêu từ nay đến cuối năm giảm ít nhất một nửa thời gian và thủ tục liên quan; đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công gắn với trách nhiệm cụ thể, chấm dứt tình trạng đầu tư giàn trải và trách nhiệm chung chung. Thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì phải tiến hành chặt chẽ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đi liền với nâng cao năng lực quản trị, điều hành…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chính quyền các địa phương giáp biên và lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu qua biên giới, trong đó có việc xử lý nghiêm minh các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; siết chặt quản lý hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu, các cửa hàng miễn thuế và dừng tạm nhập tái xuất các mặt hàng như: nội tạng, thuốc lá…Đề nghị các địa phương phải xử lý kiên quyết, không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tôi lưu ý một điểm. Đừng vì lợi ích địa phương, có thu một ít ở địa phương mà phá nền kinh tế là không được, phải kiên quyết cái đó. Bây giờ mở cửa khẩu thu được ít nhưng lại tuồn hàng vào là sản xuất trong nước lại càng khó khăn. Trong khi ngân sách địa phương thu thiếu thì ngân sách trung ương đều cân đối đủ. Tôi nói ví dụ chỉ riêng thuốc lá chúng ta thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng mà tất cả đều qua cửa khẩu hết. Nếu không có tiếp tay, không có dễ dàng ở các chính quyền địa phương thì không có hàng lậu qua được nhiều đâu. Cái này phải cương quyết vì lợi ích của đất nước…”.
Cùng với tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương liên quan đảm bảo nguồn lực triển khai các chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc. Liên quan đến người lao động Việt Nam tại Lybia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình, lên phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn cho hơn 1.500 người lao động Việt Nam tại Lybia. Sau những thiệt hại do 2 cơn bão gần đây gây ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan rút kinh nghiệm khi có thông tin mưa lớn phải chủ động di rời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ và sạt lở đất nhằm đảm bảo tính mạng của người dân…
Cũng tại phiên họp Chính thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng các dự án Luật như: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động…./.