Trường hợp chậm trễ xử lý việc lãng phí thuộc thẩm quyền của mình cũng có thể bị… xử lý. Ảnh minh họa
(PLO) - Từ ngày 1/11/2014, không chỉ hành vi lãng phí, tham nhũng mới bị “xử” mà ngay cả trường hợp chậm trễ xử lý việc lãng phí thuộc thẩm quyền của mình cũng có thể bị khởi tố. Đây là nội dung vừa được Chính phủ đề cập tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực ra, quy định về bồi thường, chống lãng phí không phải bây giờ mới có. Từ nhiều năm nay, chúng ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng rồi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…Việc Chính phủ ban hành Nghị định 84 cũng chỉ là cụ thể hóa những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nói trên.
Theo quy định này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xảy ra lãng phí, thiệt hại sẽ phải bồi thường.
Số tiền bồi thường thiệt hại được thực hiện bằng đồng tiền Việt Nam; xác định căn cứ vào Bản tường trình trách nhiệm của người có hành vi gây lãng phí; kiến nghị của Hội đồng xử lý trách nhiệm bồi thường thiệt hại và được nộp một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại hoặc trả dần trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định về bồi thường thiệt hại (nếu số tiền nộp lần một chưa đủ). Trường hợp không đủ khả năng bồi thường, người có nghĩa vụ bồi thường phải trừ 20% tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
Quy định về trách nhiệm xử lý thông tin khi phát hiện lãng phí, Nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Nếu không thực hiện, thực hiện không đúng quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp chậm ngăn chặn để tiếp tục xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh những quy định trên, Chính phủ cũng cho phép được tạm hoãn thực hiện việc bồi thường đối với một số trường hợp đặc biệt. Đó là người có hành vi gây lãng phí đang điều trị tại các bệnh viện; đang trong thời kỳ nghỉ thai sản; thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế, được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác. Thời gian tạm hoãn tối đa 06 tháng với người đang điều trị tại bệnh viện; đang trong thời kỳ nghỉ thai sản; gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hoặc tối đa bằng thời gian tạm giam, tạm giữ đối với trường hợp đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận điều tra…
Khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.
Thời hạn xử lý không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí; trường hợp cần thiết có thể gia hạn xử lý thông tin một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với nội dung phức tạp thì không quá 60 ngày.