Cấp thẻ căn cước công dân: Vẫn lo “lãng phí”

Cấp thẻ căn cước công dân: Vẫn lo “lãng phí”

Cấp thẻ căn cước công dân: Vẫn lo “lãng phí”

Cấp, đổi chứng minh nhân dân cho người dân. Ảnh minh họa nguồn Internet
(PLO) - Bỏ đi 68 triệu chứng minh nhân dân (CMND) cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt, lan tỏa trong toàn xã hội để thay thế bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ tạo ra một sự xáo trộn, lãng phí vô cùng lớn, cần phải được cân nhắc.

Đó là ý kiến của một số đại biểu tại Hội thảo về Dự án Luật CCCD do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức sáng qua (26/9).

“Cải lùi” từ 1 giấy thành 3 giấy
TS Nguyễn Ngọc Kỷ chỉ ra hệ lụy nếu cho toàn dân đổi số CCCD mới cùng việc cắt góc CMND cũ hay cấp giấy chứng nhận số cũ số mới. Đáng lẽ người dân chỉ dùng 1 giấy CMND 9 số thì sẽ chuẩn bị có đến 3 loại giấy tờ cá nhân cùng tồn tại là CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD, gây không ít phiền toái cho người dân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch.
Hiện cơ quan công an có giải pháp “cấp giấy chứng nhận số cũ số mới” theo yêu cầu khi công dân đổi CMND 9 số sang CMND 12 số. Nhưng theo TS. Kỷ: “đó là một sai lầm nghiệp vụ vì tạo kẽ hở để lợi dụng làm giấy xác nhận giả, thậm chí thừa nhận và cho kéo dài tình trạng một công dân có nhiều số CCCD”…
Dự đoán “tình trạng loạn căn cước như vậy sẽ kéo dài cho tới khi thế hệ công dân đã từng được cấp CMND cũ qua đời hết (khoảng 80-90 năm)”, TS Kỷ lo ngại mục tiêu thống nhất sử dụng số CCCD mới phải trải qua một thời kỳ quá độ kéo dài và có thể trên thực tế khó đạt được.
Nhưng lý giải cho việc Bộ Công an không trình Chính phủ dừng cấp CMND 12 số để chờ cấp thẻ CCCD để tránh việc công dân sử dụng nhiều loại giấy tờ không cần thiết trong giai đoạn đang xây dựng Luật CCCD, Trung tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, dự kiến Luật CCCD phải đến ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực, trong khi nhu cầu cấp CMND của công dân là thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, CMND 12 số của công dân đã và đang cấp có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp và Dự thảo Luật đã có qui định điều khoản chuyển tiếp công nhận giá trị sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ CCCD. Nhà nước đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ cho việc cấp CMND 12 số nên nếu dừng cấp sẽ ảnh đến hệ thống máy móc và đội ngũ cán bộ.
Di chuyển càng nhiều, càng nhiều CCCD
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến lo ngại vì số định danh có mã vùng, khi công dân di chuyển hộ khẩu đi nhiều tỉnh thì cả đời sẽ có nhiều CCCD với nhiều số khác nhau, không đảm bảo nguyên tắc về tính duy nhất suốt đời của số căn cước quốc gia. Ngoài ra, cũng khó tránh những trường hợp trùng số CCCD (như ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khi tách tỉnh) bởi việc nhập dữ liệu và cấp số định danh là do cán bộ thực hiện.
Theo các chuyên gia, do lỗi của hệ thống khiến một công dân có nhiều số riêng hay trùng số rất dễ phát hiện và khắc phục. Hơn nữa, dù nhiều số CCCD nhưng vẫn được đảm bảo bằng vân tay nên số này vẫn là số riêng của công dân chứ không trùng với số của công dân khác. Lo ngại những phức tạp được sinh ra cùng với việc triển khai thẻ CCCD, một số chuyên gia cho rằng, cấp CCCD nhưng vẫn giữ lại hệ CMND 9 số là giải pháp đúng và chỉ cấp đổi lại số mới đối với những công dân bị trùng số.
Vì thế, đại diện Bộ Công an khẳng định, việc cấp lại CCCD chỉ phải tiến hành đối với số ít công dân đã bị cấp trùng số. Còn đối với số công dân có nhiều số riêng thì không phải cấp lại CCCD mà hệ thống sẽ đề xuất giải pháp thuật toán sao cho khi kết nối thông tin không gây sai sót.
Ngoài ra, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) ngạc nhiên về cách làm “vừa tốn công vừa dễ để lại sai sót” theo qui định của Dự thảo Luật CCCD về việc cấp số định danh cho công dân và không xác định được dữ liệu gốc khi có sự mâu thuẫn giữa số liệu hộ tịch và căn cước. Bởi theo Dự thảo Luật CCCD, cán bộ tư pháp ghi việc đăng ký khai sinh vào sổ hộ tịch và cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư để cơ quan công an cấp số định danh cho công dân, rồi sau đó cán bộ tư pháp lại ghi số định danh vào sổ hộ tịch và cập nhật dữ liệu vào CSDL hộ tịch.
Và mặc dù người nhập dữ liệu là hàng ngàn cán bộ tư pháp hộ tịch nhưng CSDLQG về dân cư lại do Bộ Công an quản lý. Không kể theo qui định của Dự thảo Luật Hộ tịch, nếu có sự khác nhau giữa các số liệu hộ tịch, CSDL hộ tịch điện tử và CSDLQG về dân cư phải căn cứ vào sổ hộ tịch là bất cập và mâu thuẫn khi số định danh ghi trong sổ hộ tịch là kết quả từ CSDLQG về dân cư. Do đó, Đại biểu Phạm Trọng Nhân tha thiết kiến nghị: “Xây dựng một hệ thống CSDLQG duy nhất về căn cước và hộ tịch vì hai hệ thống này không thể tách rời để thống nhất một đội ngũ quản lý và cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào hệ thống và nhập Luật CCCD trở thành một chương của Luật Hộ tịch”.
Huy Anh
Trích nguồn:http://baophapluat.vn
Tin liên quan

Thời gian làm việc

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00

Hỗ trợ trực tuyến

    

    Văn Phòng Công Chứng Tân Phú

    info@congchungtanphu.vn

    0968201919

Right